Site banner

Bình Đại: Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016

Hiện nay, huyện Bình Đại có 2.245,51 ha diện tích rừng phòng hộ và 636,27ha rừng sản xuất, tập trung tại 4 xã Bình thắng, Thạnh Phước, Thừa Đức và Thới Thuận. Trong đó, Thừa Đức và Thới Thuận là hai địa phương có diện tích rừng che phủ tương đối lớn với tỷ lệ 82,2%. Rừng của huyện chủ yếu là rừng phi lao và rừng đước.

Hiện nay đã bước vào thời điểm mùa khô cao điểm năm 2016, rừng đang trong giai đoạn có nhiều lá khô, dây leo bụi rậm và nhiều lớp thực bì dày đặc, dễ gây cháy nhanh và cháy lan, nhất là những khu vực rừng cây phi lao.

Thực hiện công văn số 514 ngày 9/03/2016 của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre về việc “ tăng cường thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016”. Nhằm bảo vệ hơn 2.881 ha rừng của toàn huyện, nhất là nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ, tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ông Trần Tấn Công – Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại vừa ký ban hành Công văn chỉ đạo các ngành chức năng huyện, Ủy ban nhân dân các xã có rừng gồm: Bình thắng, Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016 trên địa bàn huyện.

Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình phòng chống cháy rừng.

Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, quan điểm chỉ đạo chủ yếu là xác định biện pháp phòng cháy là chính, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, khi có cháy xảy ra thực hiện công tác chữa cháy rừng thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, thường xuyên kiểm tra các công trình phòng cháy chữa cháy rừng như: chòi canh lửa, đường băng cản lửa, các phương tiện trữ nước, biển báo cấm lửa, biển nội quy phòng cháy chữa cháy rừng, mua sắm.

Kiểm tra, duy tu sửa chữa, vận hành thường xuyên các phương tiện chữa cháy đảm bảo điều kiện tốt nhất để sử dụng ngay khi có yêu cầu. Mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ rừng và bố trí chốt trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, để kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra.

Xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2016, chuẩn bị cây giống, xử lý thực bì và trồng mới rừng kịp thời vụ, phù hợp với diễn biến thời tiết, nhằm hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2016.

UBND các xã có rừng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tích cực phối hợp với ngành liên quan xây dựng phương án phòng ngừa sát với tình hình địa phương, đặc biệt rà soát, củng cố, tập huấn cho lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, để sẵn sàng phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác chữa cháy khi có yêu cầu.

Tăng cường quản lý các hoạt động của người dân sinh sống và sản xuất gần khu vực có rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ người ra, vào rừng, nhất là tuyên truyền, giáo dục trực tiếp tại chỗ để người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thanh Hương