Site banner

Cần cảnh giác khi làm hợp đồng ủy quyền

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp người dân bị thiệt hại vì ký hợp đồng ủy quyền cho người khác làm đại diện mình tham gia tố tụng hoặc thực hiện các giao dịch dân sự. Lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, đối tượng đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của người nhận ủy quyền, đã gây nhiều thiệt hại cho người ủy quyền và dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khác.

Anh Vũ luôn lo lắng vì GCNQSDĐ của gia đình bị người khác “cất giữ” đến nay đã trên 3 năm.

Mất tiền oan

Chị Ngọc (Mỏ Cày Bắc) ly hôn với chồng và phải phân chia tài sản chung (2 vợ chồng chị không có con). Được người quen giới thiệu, chị gặp ông N. (thường trú tại xã V., huyện Chợ Lách) và được ông tư vấn về những vấn đề liên quan.

Tháng 9-2019, chị Ngọc ký hợp đồng thực hiện dịch vụ pháp lý với ông N., để ông làm đại diện theo ủy quyền của chị tham gia tố tụng tại tòa án. Theo đó, thời hạn thực hiện hợp đồng kết thúc sau khi có bản án của tòa. Chi phí thực hiện dịch vụ là 20 triệu đồng, thanh toán bằng tiền mặt 2 lần.

Ngay sau khi ký hợp đồng, ông N. đã ứng trước 5 triệu đồng, khoảng nửa tháng sau, ông N. tiếp tục nhận 5 triệu đồng nữa. Tổng cộng số tiền ông N. đã nhận là 10 triệu đồng. Thế nhưng, ông N. chỉ làm được đơn ly hôn của chị Ngọc nộp cho Tòa án rồi không liên lạc với chị nữa.

Khi chị Ngọc tới Tòa án hỏi thăm thì mới biết cơ quan này vẫn chưa thụ lý đơn của chị. Trong lúc tình cờ, chị đã gặp một số người cũng là “nạn nhân” của ông N.. Mới hay, thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý, ông N. đã nhận tiền của nhiều người và viết đơn cho họ (mỗi trường hợp 3 triệu đồng) với nhiều lời hứa hẹn sẽ tham gia tố tụng khi có giấy triệu tập của Tòa. Thế nhưng sau đó thì ông “lặn” mất.

Chị Ngọc làm đơn tố cáo ông N. với Công an xã V., huyện Chợ Lách nơi ông N. thường trú (trước đó, địa chỉ này do ông cung cấp để làm hợp đồng dịch vụ). Tại đây, Công an xã V. xác nhận ông N. là người không đăng ký thường trú tại địa phương. Bấy giờ, chị Ngọc mới biết mình bị lừa.

Mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Vợ chồng chị Thảo và anh Vũ (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) làm nghề ươm cây giống. Anh chị có vay của ngân hàng số tiền 220 triệu đồng để sản xuất và mua đất. Hàng tháng, anh chị đều đóng tiền lãi và thực hiện việc trả nợ gốc đáo hạn theo mỗi năm. Những lúc cần tiền để trả nợ vay, chị Thảo hay mượn tiền của một người tên Hồng (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc).

Khoảng đầu năm 2016, bà Hồng cho vợ chồng chị Thảo biết bà có quen với ông C. là giám đốc của một công ty kinh doanh (có trụ sở ở Cần Thơ). Ông C. cho vay tiền với thủ tục đơn giản, người vay tiền (bên ủy quyền) chỉ cần làm hợp đồng ủy quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông (bên nhận ủy quyền) là được nhận tiền vay và không cần trả tiền nợ gốc đáo hạn hàng năm. Theo đó, nếu GCNQSDĐ có diện tích 1.000m2 sẽ được nhận 100 triệu đồng, thời hạn là 10 năm, không cần trả đáo hạn hàng năm; nếu “sổ đỏ” có diện tích lớn hơn thì sẽ nhận được số tiền nhiều hơn.

Ngày 14-3-2016, vợ chồng chị cùng với nhân viên của ông C. đã tới một văn phòng công chứng tư nhân để làm giấy ủy quyền giao GCNQSDĐ (diện tích hơn 2.900m2) của mình cho ông C.. Tại thời điểm này, ông C. không có mặt, nhưng trước những lời trấn an của nhân viên ông C. “Anh chị cứ ký tên vào hợp đồng, ông C. sẽ mang tiền tới”. Tin tưởng vào những lời thuyết phục của họ và vì đang cần tiền nên vợ chồng chị Thảo đã ký tên vào hợp đồng ủy quyền (do người của ông C. soạn sẵn).

Theo hợp đồng này, bên A (bên ủy quyền - vợ chồng chị Thảo) đồng ý ủy quyền cho bên B (bên nhận ủy quyền - ông C.) được quyền thực hiện các công việc có liên quan đến thửa đất thuộc quyền sử dụng của bên A; thời hạn ủy quyền là 10 năm.

Sau khi ký tên xong, nhân viên của ông C. cất giữ giấy tờ và bảo vợ chồng chị Thảo an tâm chờ đợi vài hôm nữa sẽ được nhận tiền. Thế nhưng, họ chỉ nhận được những lời hứa suông, trong khi GCNQSDĐ của mình đã bị người khác “giữ dùm”.

Vợ chồng chị Thảo đã tìm tới địa chỉ ông C. đặt trụ sở kinh doanh và tại nơi ông thường trú (Sóc Trăng) nhưng vẫn không tìm được. Sau đó, chị Thảo được Tòa án nhân dân Quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) mời tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Lúc này, chị Thảo mới biết được, sau khi lấy được GCNQSDĐ của chị, ông C. đã đem đi thế chấp để mua hàng hóa với Công ty MeKong (trị giá tài sản thế chấp 448,32 triệu đồng). Ông C. nợ của Công ty MeKong rất nhiều tiền (hơn 4 tỷ đồng) nhưng không có khả năng thanh toán và đã bị công ty này khởi kiện ra tòa.

Bài, ảnh: H.Đức

Nguồn Báo Đồng Khởi Online