Site banner

Cảnh báo tình trạng “bảo kê”, “cò” ngư dân đi đánh bắt thủy sản

Bình Đại là huyện ven biển của tỉnh Bến Tre. Với số lượng tàu đánh bắt khoảng gần 600 chiếc và số lượng ngư dân làm nghề biển là trên 5.000 người, còn được gọi là “bạn cào”. Hiện nay, số lượng bạn cào ngày càng thiếu so với nhu cầu thực tế, nên các chủ tàu luôn gặp khó khăn trong việc thuê ngư dân. Nắm được tình hình này, nhiều người đã làm môi giới, giới thiệu bạn cào cho các chủ tàu để được hưởng tiền hoa hồng; thậm chí, có nhiều đối tượng đứng ra “bảo kê” cho các chủ tàu, nếu bạn cào ứng tiền mà không làm cho chủ tàu thì các đối tượng sẽ gây áp lực, đe dọa buộc bạn cào phải đi làm đúng theo thỏa thuận hoặc trả lại số tiền đã tạm ứng cao hơn gấp nhiều lần.       

Cảng cá Bình Thắng, huyện Bình Đại

Ông Ngô Văn Sĩ Em, một chủ tàu ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại cho biết: “Hiện nay nhu cầu bạn cào đi tàu đánh cá ở địa phương rất lớn, tuy nhiên nguồn nhân lực địa phương là không đủ đáp ứng, một số người đã đứng ra môi giới bạn cào để nhận tiền “hoa hồng”, tuy nhiên số bạn cào này khi đi tàu lại không làm đúng như đã thỏa thuận, ra biển lại bỏ sang làm trên tàu khác, làm cho chủ tàu vừa mất tiền, vừa không đủ nhân lực trong chuyến đi biển”.

Việc các chủ tàu và bạn cào không có hợp đồng dân sự, chỉ thỏa thuận miệng và việc môi giới, bảo kê của nhiều người như trên sẽ rất dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí đủ yếu tố cấu thành nhiều tội phạm, như: Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bắt giữ người trái pháp luật; cố ý gây thương tích….

Liên quan đến tình trạng này, cuối năm 2019, Công an huyện Bình Đại đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với nhóm gồm 05 đối tượng do Giáp Thanh Hưng, sinh năm 1985 ngụ ấp 3, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại cầm đầu, để điều tra về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Vào ngày 11/7/2019, được sự giới thiệu của Nguyễn Thanh Đức, sinh năm 1975, ngụ xã Bình Thắng, nên Ngô Văn Điểm, sinh năm 2000, ngụ tỉnh Sóc Trăng cùng Hứa Văn Quyện, sinh năm 1986 và Hứa Văn Đô, sinh năm 2003, cùng ngụ tỉnh Kiên Giang đến đi cào cho tàu mang hiệu Ngọc Sang tại xã Bình Thắng. Sau khi thỏa thuận, Điểm, Quyện và Đô tạm ứng của chủ tàu mỗi người 20.000.000 đồng để gửi về cho gia đình; Đức là người bảo lãnh để hưởng số tiền hoa hồng 1.500.000 đồng/người. Sau khi tàu xuất bến được khoảng 10 ngày, Điểm, Quyện và Đô không tiếp tục làm trên tàu Ngọc Sang, mà chuyển qua tàu khác đi vào Cảng Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Biết được thông tin vụ việc, Hưng cùng đồng bọn thuê xe ô tô đi đến Cảng Vàm Láng tìm gặp Điểm, Quyện và Đô, gây áp lực buộc 03 người này lên xe về giữ ở nhà Hưng tại xã Bình Thắng, cho người canh giữ và đánh đập, buộc 03 người gọi điện thoại bảo người nhà gửi tiền qua cho Hưng mỗi người 30.000.000 đồng thì mới cho về. Biết tin, gia đình Đô chuyển tiền vào tài khoản của Hưng. Ngày 24/7/2019, Đô được Hưng cho về và đến cơ quan Công an tố giác.

Từ thực trạng trên, để phòng ngừa không để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, mặt khác giúp các chủ tàu thuận lợi trong việc đánh bắt thủy sản và giải quyết việc làm ổn định cho ngư dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, Thượng tá Nguyễn Thanh Tâm - Phó Trưởng Công an huyện Bình Đại đề nghị chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, nắm rõ lý lịch của ngư dân, nhất là ngư dân từ nơi khác tới; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân; hướng dẫn chủ tàu ký kết hợp đồng lao động với ngư dân đúng quy định pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những trường hợp mâu thuẫn giữa chủ tàu và ngư dân, không để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật; đối với các chủ tàu cần liên kết chặt chẽ với nhau, khi thuê bạn cào phải tìm hiểu rõ nhân thân, lai lịch, ký hợp đồng lao động rõ ràng; không thuê bạn cào đang đi đánh bắt cho chủ tàu khác, không thuê bạn cào thông qua người khác môi giới; khi có vụ việc tranh chấp không được tự mình giải quyết, mà phải trình báo chính quyền địa phương giải quyết theo đúng quy định pháp luật...”.

Từ vụ việc trên cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội một phần cũng là do các bạn cào không thực hiện đúng hợp đồng, thỏa thuận với chủ tàu, ứng tiền của người này nhưng lại tự ý chuyển sang làm việc cho tàu khác, gây ảnh hướng đến công việc đánh bắt; đây là hành vi có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc chủ tàu không trình báo với chính quyền địa phương, mà lại nhờ người đi tìm, gây áp lực để lấy lại số tiền mà bạn cào đã tạm ứng, nếu các đối tượng được thuê bắt giữ người, đánh đập, buộc các bạn cào phải đưa thêm tiền để chiếm đoạt, đó là những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.

Bài ảnh: Quang Duy – Trần Thắng