Nói đến nghề đánh bắt thủy hải sản chẳng ai không biết đến làng Bình Thắng (Bình Đại) bởi đây là địa phương có nghề đánh bắt và khai thác thủy sản khá lâu đời với quy mô lớn. Cũng chính vì thế đã tạo nên một điểm khá đặc trưng cho một xã biển - đó là đàn ông thì ngày đêm ra khơi bám biển, còn đàn bà thì ở nhà với những công việc đan lưới hay một số các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Gắn cuộc đời với biển cả bao la
Hiện nay, xã Bình Thắng có khoảng 613 tàu đánh bắt thủy sản, trong đó có 592 tàu đánh bắt xa bờ, với công suất gần 300.000 mã lực. Với số lượng tàu như thế, mỗi năm, ngư dân xã Bình Thắng khai thác đánh bắt trên 40.000 tấn thủy sản các loại, chủ yếu là tôm và cá. Tính đến tháng 9-2013, sản lưởng đánh bắt thủy sản đạt 35.600 tấn, đạt 79,11% so với kế hoạch năm. Song song đó, các dịch vụ hậu cần nghề cá dần được hình thành như: các cơ sở chế biến thủy sản, nhà máy nước đá, ngư cụ… điều này đã góp phần cùng với chính quyền địa phương giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động cũng như kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
(ảnh 1)
Ông Đào Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết: Thấy được đặc điểm và thế mạnh của vùng, lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện tốt nhất nhằm giúp cho ngư dân thuận tiện trong việc đánh bắt, khai thác thủy sản, như: tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 161 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển, Luật Biển Việt Nam… Một trong những việc mà địa phương tích cực thực hiện trong thời gian qua đó là tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn để để đầu tư vào tàu, nâng công suất để khai thác và đánh bắt thủy sản xa bờ. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát triển dịch vụ thu gom thủy sản, điều này không những giúp giảm chi phí đầu vào mà còn nâng cao giá thủy sản.
Chính từ sự quan tâm của các ngành, các cấp thông qua những việc làm cụ thể đã góp phần tạo điều kiện cũng như khuyến khích người dân vươn khơi bám biển và làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương của mình. Gắn cuộc đời của mình với biển khơi từ năm 14 tuổi, ông Phan Thành Văn (ngụ ấp 3, xã Bình Thắng) đã theo đuổi công việc đánh bắt thủy sản như là một cái nghề, cái nghiệp. Hơn 40 năm "thăng - trầm" với biển, ông Văn chưa từng nghĩ mình sẽ có ngày bỏ nghề, mặc dù nhiều lúc có những chuyến đi biển chẳng những không đem lại cho ông lợi nhuận mà còn khiến lâm vào cảnh nợ nần. Ông Văn bày tỏ: Tôi đi theo tàu với ba từ năm 14 tuổi. Từ đó đến nay tôi luôn gắn cuộc đời mình với con tàu, với biển cả. Đi biển cũng có thú vui nhưng cũng lắm nỗi niềm và cũng đầy nguy hiểm. Vui là được những mẻ cá lớn. Nhưng lắm lúc cảm thấy buồn khi ở giữa biển khơi mênh mông và nghĩ về vợ, về con. Ngày nay đi biển còn đỡ vì thời gian ngắn, chứ còn lúc trước đi biển có khi cả mấy tháng trời mới được gặp vợ con. Buồn lắm chú à, nhưng vì cái nghiệp nên mình phải đeo thôi. Nhờ trời thương nên việc đánh bắt được suôn sẻ, từ lúc còn nghèo khó nhưng đến nay cũng có chút của ăn của để…
Nỗi niềm phụ nữ làng chài
Bước chân đến làng chài Bình Thắng, chúng ta không khó để bắt gặp những điểm thu mua thủy sản, các cơ sở chế biến, các hộ buôn bán ngư cụ hay những tổ đan lưới… tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động và đặc trưng của một vùng biển. Tuy nhiên, bên cạnh sự náo nhiệt đó, trong góc khuất ở mỗi căn nhà, đâu đó luôn có những ánh mắt của người vợ, đứa con luôn dõi theo chồng, theo cha và chờ đợi ngày về bội thu với những mẻ cá đầy ấp.
Cũng như bao làng chài khác, người đàn ông đi biển thì người đàn bà ở nhà cũng tranh thủ làm những công việc phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản, góp phần tăng thêm thu nhập gia đình. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở làng chài Bình Thắng, người phụ nữ thường làm công việc đấu cào. Công việc này không bị áp lực về thời gian nhưng có tính ổn định, thu nhập lại tương đối khá. Theo ý kiến của nhiều chị em phụ nữ ở tổ đan lưới ấp 3 (xã Bình Thắng), ngoài việc bếp núc và chăm lo cho con cái thì thời gian còn lại tranh thủ đan lưới. Công việc này đem lại một phần thu nhập kha khá để trang trải cho sinh hoạt gia đình. Hiện nay, gia công một đầu cào có giá 800.000 đồng, thời gian đan từ 2 đến 3 ngày, tùy theo làm nhanh hay chậm.
Ở các hộ gia đình trong làng chài, những ngôi nhà thường xuyên vắng bóng người trụ cột của gia đình là chuyện "thường tình". Vì thế, tâm trạng chung của hầu hết phụ nữ làng chài đó là họ luôn đau đáu nỗi lo về hiểm nguy cho người mà mình "đầu ấp tay gối". Nhưng đồng thời họ vẫn đặt niềm tin, hy vọng vào những chuyến đi biển với mùa màng bội thu…
Chị Hồng Ngân có thu nhập khoảng 250 ngàn đồng/ngày nhờ vào công việc đan lưới.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngân (ngụ ấp 3, xã Bình Thắng) chia sẻ: Chồng tôi đi biển rất thường xuyên, vì đây là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Thời gian đi biển khoảng một tháng rưỡi mới về, kiếm được trên một chục triệu. Mỗi lần về như vậy được khoảng vài ngày, nhưng hầu hết thời gian thì dành cho việc sửa sang, trang bị các vật dụng thiết yếu để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo. Vì thế, thời gian dành cho vợ con rất ít. Ngày thường còn đỡ, vào dịp Tết Nguyên đán thì cảm giác buồn và nhớ chồng còn nhiều hơn, có khi cảm giác tuổi thân. Nhưng biết sao bây giờ, vì đó là công việc mưu sinh mà!
Vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Ngân vừa tranh thủ đan cho xong chiếc lưới còn dở dang. Đôi tay thạo nghề của chị cứ thoăn thoắt, cuộc chuyện trò cũng theo đó mà răm rang, nhưng thỉnh thoảng đôi mắt của chị như chợt buồn nhìn xa xăm…
Quốc Hùng