Site banner

Có một xưởng dạy nghề vá lưới

Những người thợ giặt lưới, vá lưới miệt mài, tỉ mỉ đến từng centimet tại Xưởng dạy nghề vá lưới. 19 năm xưởng tồn tại và phát triển trong quan hệ làm ăn với công ty Nhật Bản, bí quyết của thành quả hôm nay gói gọn trong từ "uy tín".

Chắc chắn những tấm lưới bảo hộ

Bên ngoài, Xưởng dạy nghề vá lưới (ấp Thạnh Hựu, xã Tam Phước, Châu Thành) trông có vẻ yên ắng, lặng lẽ, nhưng bên trong, cả một ê-kíp làm việc tất bật và chuyên cần.

Xưởng được chia làm 4 khu chính: khu hành chính, khu vá lưới, giặt lưới và kho. Thành lập từ năm 1994, sản lượng ban đầu của xưởng là 20 tấn/tháng, đến nay sản lượng lên đến 900 tấn/tháng. Số lượng công nhân khi mới thành lập chỉ vài chục người nay là 246 người, chia làm 10 tổ: 2 tổ giặt lưới, 1 tổ đóng gói và 7 tổ vá. Lao động làm việc 8 tiếng/ngày, thu nhập trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng (đối với nữ) và 4 triệu đồng/người/tháng (đối với nam) đã góp phần giải quyết việc làm đáng kể cho người lao động tại xã Tam Phước.

Công nhân nữ đang cạo xi-măng, nhặt rác khỏi lưới.

Lưới ở đây là loại lưới bảo hộ xây dựng, được mang từ Nhật sang Việt Nam để giặt giũ và vá những nơi rách. Chiều đầu tuần đến thăm xưởng, chúng tôi thấy có 5 chiếc xe tải lớn chở đầy lưới về. Được biết, những container chất đầy lưới được chuyển về Việt Nam bằng đường thủy và nhận hàng tại Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) rồi chở về xưởng bằng xe tải. Một số mặt hàng mà xưởng đang làm là sửa chữa lưới bảo hộ xây dựng đã qua sử dụng, lắp ráp mới lưới bảo hộ xây dựng và lắp ráp lưới dùng để kè sông, kè biển chống sạt lở. Quy trình vá lưới gồm những công đoạn: kiểm hàng, giặt, sấy khô, vá lưới, đóng gói vô kiện xuống tàu chở sang Nhật.

Bốc dở những kiện lưới từ Nhật về.

Thông qua Tập đoàn Marubeni, Tập đoàn Kyowa là đối tác duy nhất của xưởng trong 19 năm qua. Được biết, Kyowa là đơn vị cho thuê lưới bảo hộ xây dựng, người Nhật luôn giữ chữ tín trong làm ăn và đối với những người, đơn vị họ đã tin tưởng thì mối quan hệ làm ăn luôn vững bền.

Về phía Xưởng, từ những nỗ lực khẳng định uy tín, tập thể lãnh đạo và công nhân ở xưởng đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, Huân chương Lao động hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Uy tín - chất men tình thâm

Nghề vá lưới đòi hỏi người thợ phải cần cù, tỉ mỉ như chú ong thợ. Vá lưới phải đứng, vì vậy mà trong những khu vá không hề có bóng dáng chiếc ghế nào. Người công nhân đứng làm việc, tay thì thoăn thoắt mũi chỉ, đến độ người xem không kịp nhận ra mũi chỉ đã được xiên như thế nào.

Bên trong khu vá lưới có rất nhiều móc để máng lưới, lưới được chia làm hai loại: lưới mắt dọc và lưới mắt ngang. Chị Luyến, một công nhân chỉ cho chúng tôi mớ lưới mình đang vá và cho biết có rất nhiều kiểu vá, công nhân mới phải học đôi ba tháng mới nhớ hết các dạng. Ban đầu mới thành lập xưởng, đích thân người Nhật qua dạy công nhân những mũi chỉ cơ bản. Về sau, ngày càng phát sinh những chất liệu lưới mới, công việc mới, người công nhân của ta phải tự học, làm thử. Chị Huệ có 19 năm gắn bó đời mình từ thuở xuân xanh dần sang trung niên, cho biết nhờ yêu nghề, không khí làm việc vui vẻ, thu nhập ổn định đã mang lại cho chị cuộc sống thoải mái, an tâm lao động.

Bên trong khu lắp ráp lưới kè chống sạt lở, một sản phẩm mới của xưởng.

Khâu kiểm lưới dơ là cực nhất, thường do nam làm. Khu giặt lưới vừa có nam lẫn nữ, các chị đảm nhiệm khâu đập xi-măng bám vào lưới rồi dùng dao cào cho rớt ra, gỡ dây chì, rác vướng trong lưới. Sau đó, các anh nam đem lưới giặt sạch, sấy khô và mang lên xưởng để vá.

Công nhân nam đảm trách khâu giặt lưới và sấy khô.

Ông Huỳnh Công Rạng - Quản đốc, chia sẻ: Chất keo gắn kết tình cảm giữa Tập đoàn Marubeni, Kyowa đối với Xưởng trong ngần ấy năm xuất phát từ việc chúng tôi đã tạo được uy tín, đảm bảo chất lượng hàng. Bên cạnh đó, lao động Bến Tre còn cần cù, chịu khó, nhanh nhạy tiếp thu nghề. Và điều quan trọng nữa là sự quan tâm, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh đối với mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong nhiều năm qua.

Bài, ảnh: THẠCH THẢO
Nguồn: baodongkhoi.com.vn