Site banner

Đâu là giải pháp hạn chế dịch bệnh tôm biển?

Theo kết quả phân tích mẫu tôm biển kiểm tra bệnh định kỳ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, từ cuối tháng 2 đến ngày 17-3-2014, xét nghiệm 13 mẫu tôm chân trắng nuôi và 6 mẫu tôm giống, đã phát hiện 7 mẫu tôm chân trắng nuôi và 4 mẫu tôm giống nhập tỉnh nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV).

Mặt khác, theo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, hiện nay ở hầu hết các điểm thu mẫu giáp xác ngoài kênh rạch tự nhiên trên địa bàn 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đều bị nhiễm mầm bệnh đốm trắng với tần suất ngày càng cao tại các điểm thu mẫu.

Kiểm tra, phát hiện tôm bệnh tại các ao nuôi. Ảnh: N. D

Do đó, nhằm quản lý vùng nuôi và hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn chuyển sang mùa mưa, người nuôi tôm cần thực hiện như sau:

1. Nghiêm chỉnh chấp hành lịch thời vụ nuôi tôm biển năm 2014 do UBND tỉnh đã ban hành; thường xuyên theo dõi thông tin về điều kiện môi trường, thời tiết, kết quả quan trắc môi trường, khi nào môi trường nuôi thật sự ổn định mới thả giống, nên thả giống rải vụ trong suốt vụ nuôi.

2. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng bệnh kịp thời, hạn chế thấp nhất dịch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) xảy ra và lây lan trên diện rộng vào đầu mùa mưa sắp tới.

3. Các vùng nuôi tôm biển nên hạn chế thả giống như: xã Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ (Giồng Trôm); Đại Hòa Lộc, Định Trung (Bình Đại). Nguyên nhân do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) đang bùng phát và gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

4. Thường xuyên truy cập vào trang Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi thông tin về kết quả quan trắc môi trường và kết quả kiểm dịch tôm giống tại các trại sản xuất giống tôm biển trên địa bàn tỉnh theo địa chỉ: www.sonongnghiep.bentre.gov.vn để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

5. Ngoài ra, người dân nên lưu ý áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi nhằm phòng ngừa bệnh trên tôm như sau:

- Vệ sinh ao nuôi triệt để trước và sau mỗi vụ nuôi.

- Nên chọn tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm dịch của cơ quan chức năng; kiểm tra các tác nhân gây bệnh đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), MBV, bệnh Taura (TSV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV) và các bệnh nguy hiểm khác.

- Thả tôm giống cỡ lớn (tôm chân trắng từ Postlarvae từ 10mm trở lên, tôm sú từ Postlarvae từ 12mm trở lên); mật độ thả phù hợp (tôm chân trắng từ 60-80 con/m2, tôm sú từ 20-25 con/m2). Tuyệt đối không thả nuôi tôm chân trắng với hình thức nuôi tôm quảng canh, tôm lúa, tôm rừng.

- Tăng cường quản lý ao nuôi, giữ các yếu tố môi trường nuôi ổn định  như: độ mặn 15-20%o; pH 7,5-8,2; độ kiềm 120-160 mg/l, hạn chế khí độc và định kỳ diệt khuẩn nhằm kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi.

- Tăng thời gian chạy quạt nước để đảm bảo oxy hòa tan lớn hơn 4mg/l.

- Bón vôi quanh bờ ao trước khi trời mưa; sau khi mưa nhiều có thể tháo bỏ lớp nước tầng mặt để tránh sự biến động độ mặn trong ao.

- Tăng cường sức đề kháng cho tôm, bổ sung các vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, chất tăng cường hệ miễn dịch vào thức ăn cho tôm.

- Hạn chế dùng kháng sinh thường xuyên để phòng bệnh; không sử dụng kháng sinh cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Quản lý chặt chẽ thức ăn trong quá trình nuôi, tránh dư thừa thức ăn; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường đáy ao và hạn chế sự phát sinh mầm bệnh.

- Thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế sự xâm nhập của các vật chủ trung gian mang mầm bệnh như: kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới, đuổi chim, cò...

Nếu xảy ra trường hợp tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, người dân tuyệt đối không xả thải ra môi trường kênh rạch bên ngoài ao nuôi, thực hiện ngay các biện pháp cách ly và khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, UBND xã hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn cách ly và hỗ trợ xử lý mầm bệnh kịp thời.

KS. Nguyên Duy
Nguồn: baodongkhoi.com.vn