Site banner

Đến và trải nghiệm du lịch làng nghề Bến Tre

Bến Tre, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, "cây lành trái ngọt", được phù sa bồi tụ quanh năm làm cho vùng đất xứ ba dải cù  lao này ngày càng thêm trù phú. Trong lịch sử hình  thành và phát triển,  Bến Tre đã tạo dựng nên nhiều làng nghề, trong đó có những làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề về cây giống hoa kiểng, nghề đan đát, nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc,… Mỗi làng nghề có những nét độc đáo riêng.

Là tỉnh chiếm 1/4 diện tích dừa của cả nước với khoảng 53.000 ha, gần 30 loại dừa khác nhau như: Dừa xiêm xanh, dừa dứa, dừa tam quan, dừa ẻo, dừa dâu, dừa bung,…Hàng năm cho sản lượng gần 500 triệu trái, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, Bến Tre cũng có rất nhiều làng nghề liên quan đến sản phẩm dừa như: đan giỏ cọng dừa ở Hưng Phong- Giồng Trôm, nghề sản xuất kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ dừa,…đây cũng là đặc điểm độc đáo của làng nghề Bến Tre trong vùng Tây Nam Bộ.

Du khách nước ngoài tham quan một cơ sở sản xuất kẹo dừa tại huyện Châu Thành. Ảnh: T.P

Năm 2012, Bến Tre đã tổ chức thành công Festival Dừa lần III, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các sản phẩm của làng nghề, tạo cầu nối  liên kết giữa làng nghề và thị trường, giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngoài ra, còn có các làng nghề nổi tiếng như: Nghề làm lu ở Hòa Lợi- Thạnh Phú, nghề nấu rượu ở Phú Lễ- Ba Tri, nghề dệt chiếu An Hiệp- Châu Thành, nghề bó chổi,…

Nhiều du khách thích thú với nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng tại Festival Dừa Bến Tre lần III.Ảnh T.P

Đến với mỗi làng nghề ở Bến Tre, du khách sẽ tìm thấy những giá trị văn hóa truyền thống ẩn chứa trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của Bến Tre, hình ảnh những dòng sông, những vườn trái cây, đình, chùa, miếu thờ, nhà cổ mang phong cách văn hóa Nam Bộ hay trong từng sản phẩm thủ công tinh xảo của những người nghệ nhân qua các thế hệ.

Nơi ấy còn những người nghệ nhân giỏi, được xem là "bảo tàng sống" của làng nghề, qua đó chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của làng nghề với nhiều làng nghề có trên trăm năm tuổi. Du khách sẽ  nghe nghệ nhân chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tạo ra những sản phẩm mang nhiều giá trị mỹ thuật cao, du khách tận mắt chứng kiến những đôi bàn tay "vàng" điêu luyện tạo nên những sản phẩm mang đặc trưng  riêng của mỗi làng nghề.

Du khách còn được những nghệ nhân giới thiệu về làng nghề một cách thú vị nhưng rất có chiều sâu, được trải nghiệm thực tế, qua việc du khách có thể tự tay làm nên một sản phẩm, có thể là không được hoàn chỉnh và đẹp mắt như những sản phẩm mà người nghệ nhân tạo ra nhưng đối với du khách sẽ là cả một trải nghiệm đáng nhớ.

Nếu từ trung tâm thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông, xuôi theo quốc lộ 57, du khách sẽ về với làng nghề cây giống và hoa kiểng Cái Mơn- Chợ Lách nổi tiếng. Làng nghề hoa kiểng Cái Mơn nằm cặp quốc lộ gồm các xã: Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Long Thới, Phú Sơn và Hưng Khánh Trung B. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp một khung cảnh nhà nhà làm hoa kiểng, cây giống cung cấp cho thị trường cả nước và các nước lân cận.

Thu hoạch cúc mâm xôi phục vụ Tết ở làng nghề hoa kiểng Cái Mơn- Chợ Lách (ảnh: tư liệu)

Đến với Cái Mơn, du khách sẽ tìm thấy ở đây các loại cây kiểng quý hiếm, có tuổi thọ hàng trăm năm, chiêm ngưỡng một bộ sưu tập đa dạng các loại cây kiểng như: sung, si, khế, bùm sụm, mai chiếu thủy, đinh lăng tía, ngũ gia bì… Tất cả, là những sản phẩm mang nhiều giá trị tinh thần được những bàn tay khéo léo, cần mẫn với tâm hồn nghệ sĩ của các nghệ nhân đã thổi hồn cái hồn vào sản phẩm để tăng  giá trị thẩm mỹ cho những cây kiểng quý.

Ở đây, ngoài kiểng cổ, bon sai… nghệ nhân còn tập trung trồng các loại kiểng lá như: hồng lộc, kim phát tài, dạ lan thanh, trúc bách hợp, kiểng tắc, các loại mai vàng và đặc biệt là kiểng thú…Ghé tham quan vườn kiểng của nghệ nhân Năm Công du khách sẽ chiêm ngưỡng hàng chục loại kiểng thú, kiểng hình khác nhau như: ấm bình, nhà lục giác, nhà rông, hàng rào cây xanh, con rồng,…Đến với xứ sở hoa kiểng Cái Mơn, khách thị thành thật không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn trái cây trĩu quả mà còn ngợp mắt trước những vườn hoa kiểng đầy màu sắc, nhiều chủng loại nằm cặp bên những ngôi nhà khang trang, xanh, sạch, đẹp và mát mẻ.

Đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh- Giồng Trôm và làng nghề bánh phồng Sơn Đốc- Hưng Nhượng, du khách sẽ được trải nghiệm cùng người dân làm bánh tráng và bánh phồng, nghe những giai điệu quen thuộc của tiếng giã bột, nạo dừa, hương vị nồng nàn của nước cốt dừa béo ngậy, cùng người dân làm bánh, chứng kiến nhiều công đoạn làm bánh để tạo nên những chiếc bánh thơm ngon nổi tiếng là cả một sự kỳ công mà đòi hỏi sự khéo léo của người làm. Thưởng thức bánh ngay tại làng nghề du khách mới cảm nhận được hết cái hương vị ngọt ngào của những chiếc bánh tráng và bánh phồng, hình ảnh những phên bánh nối liền nhau trải dài dưới cái nắng ánh vàng trên quê hương làng nghề xứ dừa thật sự là một dấu ấn đáng nhớ trong lòng mỗi du khách.

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, Giồng Trôm. Ảnh: K.Đường

Xuôi về miệt biển Ba Tri, du khách sẽ về thăm làng nghề cá khô An Thủy- Ba Tri với địa danh Tiệm Tôm, chỉ nghe tên thôi du khách cũng nghĩ rằng nơi đây chắc sẽ nhiều tôm cá lắm. Thật vậy, nơi đây có rất nhiều hải sản tươi sống và giá cả ở đây cũng rẻ. Đến đây, du khách sẽ được đi tham quan cảng cá Tiệm Tôm, ngắm nhìn cảnh biển, chợ sáng trên cảng với không khí nhộn nhịp. Dừng chân tại một nhà hàng thưởng thức các món ăn đặc sản xứ biển như: Nghêu hấp, ốc chấy mỡ hành, sò huyết rang muối, lẩu cá ngát, ghẹ luộc nước dừa, cua hấp,…Và du khách đừng quên thưởng thức món mắm còng  và mắm ba khía Ba Tri nổi tiếng.

Du lịch làng nghề Bến Tre là vậy, nhưng đối với những người ưa thích sự khám phá, trải nghiệm cùng du lịch làng nghề, kết hợp du lịch sinh thái và du lịch tham quan di tích văn hóa- lịch sử là những điểm đến lý tưởng. Trước những vẻ đẹp nguyên sơ, những giá trị văn hóa đang được bảo tồn, mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng, những khám phá riêng cho mình sau mỗi chuyến đi. Hy vọng rằng, du lịch làng nghề Bến Tre sẽ ngày phát triển, cùng chắp cánh ước mơ vươn xa hơn của du lịch làng nghề Việt Nam.

Hoàng Việt - TTXTDL