Site banner

Diêm nghiệp Ba Tri cần bước đi bền vững

Cùng với không khí từng bừng, phấn khởi của ngày Tết, diêm dân huyện Ba Tri còn nhận thêm niềm vui lớn hơn khi giá muối được tăng lên đáng kể. Song, ẩn sau niềm phấn khởi ấy là nổi lo khi mà ngành diêm nghiệp những năm gần đây gặp quá nhiều biến động.

Có thể thấy, chưa bao giờ ngành diêm nghiệp lại có nhiều biến cố như thời gian gần đây. Hai năm 2015 và 2016, giá muối xuống thấp đến mức diêm dân phải bỏ muối trắng cả đồng mà không thu hoạch. Bởi để thu hoạch 1 giạ muối (tương đương 45 kg) thì chi phí thuê lao động trung bình từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng. Trong khi đó, giá muối vào đầu năm 2016 chỉ từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng. Và đắng lòng hơn, nhiều diêm dân không bán được dù với giá rất rẻ, phải trữ muối đầy kho bởi thương lái chẳng màng đến xem muối.

Diêm dân Ba Tri sửa lại vuông chuẩn bị sản xuất vụ muối 2017

Trở lại cánh đồng muối xã Bảo Thạnh huyện Ba Tri trong những ngày đầu tháng 2/2017, không khí ở đây vắng lặng đến lạ. Lẽ ra vào thời điểm này của những năm trước, trên đồng muối luôn tấp nập bóng người và muối kết tinh trắng xóa cả cánh đồng. Thế nhưng hiện nay, phần lớn diện tích đất làm muối đang còn bỏ ngõ. Chỉ vài người thưa thớt làm lại bờ vuông hay lăng nền để chuẩn bị cho vụ muối mới.

Anh Lê Quốc Phong ngụ tại ấp Thạnh Nghĩa xã Bảo Thạnh chia sẻ, với diện tích hơn 1 hecta, trung bình mỗi vụ muối gia đình anh thu gần 3.000 giạ. Dù vậy, trong hai năm qua, gia đình anh phải chạy mượn tiền ở khắp nơi để sinh hoạt bởi việc sản xuất muối gần như không thu nhập được gì. Trên 30 năm theo nghề làm muối, thu nhập của gia đình có lúc cao, lúc thấp nhưng chí ít cũng có nguồn thu. Riêng hai năm vừa rồi thì gần như nghề làm muối không dư ra đồng nào dù đã bán hơn 2.000 giạ. Toàn bộ tiền bán muối chỉ vừa đủ chi phí thuê nhân công. Chỉ trước tết Đinh Dậu vừa rồi khoản 1 tuần, giá muối được năng lên 35.000 đồng/giạ. Tuy nhiên, gia đình anh chỉ còn khoản 500 giạ nên nguồn thu cũng không được là bao.

Hiện tại, anh Lê Quốc Phong đang sửa lại bờ vuông để sản xuất vụ muối đầu năm 2017. Giá muối hiện nay tương đối khá nhưng anh vẫn còn rất lo. Đầu vụ muối năm nay thời tiết không thuận lợi, nắng ít. Rồi giá cả thị trường lên xuống thất thường. Dù khó khăn là vậy nhưng gia đình anh vẫn phải bám vào việc sản xuất muối. Bởi diện tích này chưa thể chuyển đổi nuôi, trồng cây, con khác khi mà xung quanh còn là đất muối.

Chị Nguyễn Thị Tha ngụ tại ấp Thạnh Nghĩa xã Bảo Thạnh canh tác 5.000 m2. Trong hai năm qua, gia đình chị đã sản xuất được 1.500 giạ muối. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chị phải bán 800 giạ với giá thấp. Được chính sách thu mua tạm trữ hỗ trợ, chị còn giữ lại 700 giạ và hiện bán với giá 35.000 đồng. Tuy phấn khởi trước giá muối năm nay được tăng nhưng nổi lo về đầu ra vẫn còn đó.

Xã Bảo Thạnh là vùng trọng điểm sản xuất muối của huyện Ba Tri với diện tích 630 hecta và 715 hộ tham gia sản xuất. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện quyết liệt các chính sách phát triển diêm nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bên cạnh đó, giá thành đầu ra hoàn toàn do thương lái quyết định. Do vậy diện tích đất sản xuất diêm nghiệp của địa phương ngày bị thu hẹp.

Vùng sản xuất muối của huyện Ba Tri hình thành từ lâu dựa trên yếu tố thời tiết, vị trí, diện tích và mang tính tự phát. Việc sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công; sản lượng, chất lượng thấp, giá thành bấp bênh. Chính vì thế, đời sống của đại bộ phận diêm dân còn nhiều khó khăn. Để từng bước ổn định ngành diêm nghiệp của huyện, các ngành chức đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển sản suất và tiêu thụ muối. Một trong những giải pháp chủ yếu là huyện khuyến khích việc tiêu thụ muối phục vụ cho hậu cần nghề cá. Đồng thời tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc để sản xuất theo hướng công nghiệp, giúp diêm dân giảm chi phí đầu tư. Riêng một số diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sẽ được chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp khác.

Minh Đức