Dưa hấu loại 1 bán tại ruộng mỗi kg chỉ có giá từ 2.600 đồng đến 3.000 đồng. Với năng suất trung bình mỗi công (1.000 m2) là 3 tấn, sau khi thu hoạch, trừ chi phí đầu tư ban đầu, người trúng lắm thì lãi được 1 đến 1,5 triệu đồng. Phần lớn nông dân chỉ hòa được vốn đầu tư nhưng lỗ về công lao động và tiền thuê đất. Tình trạng này đã kéo dài liên tục cả hai vụ dưa hấu vừa qua đã làm đời sống của nhân dân các cồn ven biển huyện Ba Tri gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ đã không còn vốn sản xuất và phải nợ tiền vật tư tại các cửa hàng nông nghiệp.
Anh Châu Văn Thông ngụ tại ấp An Thới xã An Thủy huyện Ba Tri có 5.000 m2 đất trồng dưa hấu tại Cồn Hố xã An Thủy. Trong hai vụ Hè Thu và thu Đông vừa qua, năng suất dưa hấu của anh luôn đạt ở mức khá với bình quân mỗi công là 3 tấn dưa loại 1 (một quả có trọng lượng trên 2kg). Tuy nhiên, ở cả hai vụ vừa qua, thương lái đến ruộng mua dưa hấu loại 1 của anh chỉ với giá mỗi kg là 2.500 đồng. Ở mức giá này, anh chỉ thu hồi được chi phí đầu tư về giống, phân và thuốc. Riêng chi phí nhân công lao động của gia đình bỏ vào thi xem như lỗ trắng. Rồi đến dưa hấu trái nhỏ loại 2, loại 3 mà dân trồng hay gọi là hàng dạt thì chỉ có giá 1.200 đến 1.600 đồng. Nếu như lúc trước, dưa hấu loại 2, loại 3 ở mỗi vụ anh Thông có thể thu về hàng chục triệu đồng thì trong hai vụ vừa qua, anh đã đem cho bò ăn vì nếu bán sẽ lỗ tiền thuê nhân công cắt và gánh.
Dù được mùa nhưng nông dân vẫn lỗ do giá dưa hấu rất thấp.
Được bà con nông dân trồng dưa hấu tại cồn Hố xã An Thủy gọi là “ông vua dưa hấu đất cồn”, thế nhưng trong hai vụ dưa hấu vừa qua, giá dưa rớt rất thấp đã làm anh Lưu Huỳnh Em cũng gặp không ít khó khăn. Với diện tích 13.000 m2 đất trồng dưa hấu, mỗi năm anh trồng liên tục được 3 vụ với năng suất cao. Trung bình mỗi công trong 1 vụ anh thu khoảng 4 tấn dưa hấu loại 1. Ngoài ra, anh đã nghiên cứu thành công quy trình trồng dưa tái sinh để giảm chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian thu hoạch. Nếu như những năm trước đây, ở mỗi vụ anh Huỳnh Em thu lãi từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng thì liên tục trong hai vụ vừa qua, anh chỉ có lãi khoảng 30 triệu đồng. Nếu tính chi phí công lao động mà anh và vợ bỏ vào thì gần như việc sản xuất của anh không có lãi. Dù vậy, anh Lưu Huỳnh Em vẫn quyết tâm cải tiến sản xuất nhằm hạn chế mức thấp nhất chi phí đầu tư.
Tại hộ chị Nguyễn Thị Thiêu ngụ tại ấp an Thới xã An Thủy huyện Ba Tri, đời sống của gia đình gặp nhiều khó khăn bởi giá dưa hấu rớt xuống rất thấp. Liên tục trong hai vụ dưa hấu vừa qua đã làm gia đình chị lỗ gần 5 triệu đồng. Đó là chưa tính chi phí nhân công lao động do gia đình thực hiện. Chi Thiêu cho biết, nhà có 4.000 m2 đất trồng dưa hấu. Ở mỗi vụ, sản lượng trái loại 1 thường đạt khoảng 10 tấn. Trong vụ vừa qua, gia đình chị chỉ bán được dưa loại 1 với giá chỉ có 2.500 đồng/kg. Tổng thu cả ruộng dưa loại 1 chỉ có 25 triệu đồng nhưng chi phí đầu tư đã trên 28 triệu đồng. Làm quần quật hơn 2 tháng nhưng không thu được lãi nào mà còn bị lỗ cả chi phí đầu tư và công lao động của hơn 4 người trong gia đình.
Được biết tại huyện Ba Tri có trên 200 hecta đất chuyên canh trồng dưa hấu. Trong đó tập trung tại cồn Hố và cồn Cựa Gà xã An Thủy và cồn Nhàn xã Bảo Thuận. Hàng năm, sản lượng dưa được sản xuất trong huyện đạt trên 20.000 tấn. Do dưa hấu là mặt hàng nông sản không để lâu ngày được, cộng với việc trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nào hợp tác thu mua và chế biến nên đầu ra cho sản phẩm này vẫn chưa ổn định. Theo khảo sát, người dân đang sản xuất dưa hấu trên các cồn ven biển huyện Ba Tri bán dưa tại ruộng với giá khoảng 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg loại dưa trên 2 kg/quả cho thương lái. Nếu tính theo giá thị trường thì mức giá hiện nay thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ của năm ngoái. Để người nông dân trồng dưa hấu thực sự đạt hiệu quả kinh tế và mang tính ổn định, hiện Ba Tri đã quy hoạch vùng trồng dưa hấu theo hướng chuyên canh. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng cần sớm xem xét, xúc tiến phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có kế hoạch lâu dài trong việc thu mua, chế biến loại nông sản này tránh tình trạng bị tư thương ép giá, để người dân yên tâm sản xuất.