Site banner

Hiệu quả bước đầu thực hiện mô hình “Trường học mới Việt Nam” (viết tắt VNEN) tại trường điểm của tỉnh

Mô hình "Trường học mới Việt Nam" (viết tắt VNEN) là dự án do Bộ giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) triển khai tại 1.447 trường tiểu học trên 7 tỉnh thành trong nước (giai đoạn 2012-2015). Tại tỉnh Bến Tre, mô hình này được thí điểm cho khối học sinh lớp 2, lớp 3 trường Tiểu học Bùi Sĩ Hùng, xã Bình Thới huyện Bình Đại và thu được nhiều kết quả bước đầu trong công tác dạy và học ở trường.

Mô hình VNEN kế thừa những mặt tích cực của mô hình học truyền thống, kết hợp với sự đổi mới về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Một bài học được thiết kế bao gồm những hoạt động như: Hoạt động căn bản, thực hành và ứng dụng. Tùy từng môn học mà tài liệu sẽ có sự thiết kế phù hợp với hoạt động cá nhân, cặp đôi và nhóm từ 3 đến 5 học sinh. Điểm nổi bật ở mô hình là sự đổi mới của quá trình sư phạm với việc học sinh tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp.

Theo mô hình VNEN, học sinh được tổ chức ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là "Hội đồng tự quản học sinh", các ban "Hội đồng tự quản học sinh" do các em bầu ra và đảm nhiệm. Đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. Học sinh còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động. Đồng thời, xây dựng không gian lớp học với "Góc học tập", "Góc cộng đồng", "Thư viện lớp học", mở nhiều hòm thư vui, hòm thư "Điều em muốn nói" cũng như trang trí lớp học, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho học sinh.

Học sinh trong tiết học áp dụng mô hình VNEN tại trường Tiểu học Bùi Sĩ Hùng, xã Bình Thới, Bình Đại.

Ban giám hiệu Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá kết quả học tập của các em học sinh theo các tiêu chuẩn như: Đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và hoạt động theo từng môn học. Đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực chung của học sinh như: Tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề. Đánh giá sự hình thành, phát triển các phẩm chất của học sinh về các chủ đề: Yêu quê hương, đất nước, yêu cha mẹ và gia đình, yêu trường lớp và bạn bè, yêu con người. Sự tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, trung thực, kỷ luật, chăm học, chăm làm, thích hoạt động nghệ thuật, thể thao.

Qua 1 năm triển khai thục hiện Mô hình VNEN, giáo viên và các em học sinh đã thích nghi với môi trường học tập này và mô hình đã đạt được hiệu quả cao. Học sinh cơ bản đã thay đổi được thói quen học tập, các em tự nghiên cứu tìm hiểu kiến thức trong bài và qua tài liệu. Những kiến thức khó, các em trao đổi với bạn trong nhóm và mạnh dạn trao đổi vướng mắc cùng giáo viên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các em phát huy tính độc lập, chủ động tiếp thu kiến thức và hiểu sâu sắc các kiến thức trong bài học. Rèn luyện cho các em được nhiều kỹ năng sống, kỹ năng tập thể trong cách hoạt động học theo nhóm. Môi trường học thoải mái, các em rất hào hứng tham gia vào các bài học.

Mỗi tiết học không tạo áp lực đối với các em. Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, biết thừa nhân ưu điểm của bạn, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện mình. Mỗi học sinh "Trường học mới  - VNEN" khi đến trường luôn có ý thức được mình phải bắt đầu và kết thúc hành động như thế nào, không chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên, tránh sự thụ động trong dạy và học. Góp phần đẩy mạnh sự phát triển trong công tác giáo dục của trường. Cụ thể trong năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh giỏi chiếm 43,61%, tỷ lệ học sinh khá chiếm 41,40%, còn lại trung bình, không có học sinh loại yếu.

Theo Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bùi Sĩ Hùng cho biết: "Qua thực hiện mô hình này đã rút ra được nhiều kinh nghiệm thực tiễn như: Tổ chức dạy học theo mô hình VNEN phải đảm bảo đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Học tập thể hiện sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Ngoài đồ dùng học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên cần tăng cường sưu tầm và tự làm đồ dạy học, đảm bảo cho học sinh thao tác, thực hành. Giáo viên cần quan sát theo dõi, giúp đỡ các em trong quy trình thao tác, thực hành trong từng bài học. Kết hợp hợp lý giữa tự đánh giá của học sinh với đánh giá của nhóm, đánh giá của giáo viên và đánh giá phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, mô hình còn bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình áp dụng như: tài liệu hướng dẫn cho học sinh, giáo viên còn thiếu, các em chưa mang được tài liệu về nhà, do đó, phụ huỳnh cũng chưa nắm rõ được con em minh đang học tài liệu nào. Giáo viên chưa có kinh phí để giao lưu, học tập kinh nghiệm giảng dạy với trường bạn. Phụ huynh học sinh còn tâm lý đánh giá học sinh bằng điểm số. Một số em học sinh còn có tâm lý phụ thuộc vào bạn trong nhóm, chưa phát huy khả năng của mình. Trong năm học 2013 - 2014, trường sẽ áp dụng cho học sinh khối 4 và tham mưu cho ngành giáo dục huyện nhà nhân rộng mô hình trong toàn huyện".

Mô hình VNEN nhằm tạo môi trường học tập hiện đại, thiết thực, giúp cho học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, mô hình này thí điểm để làm nền tảng cho việc thay sách giáo khoa Tiểu học dự kiến trong năm 2017.

Tấn Tiến – Đài Truyền thanh huyện Bình Đại