Site banner

Hương vị vùng quê biển: Con Ba khía

Trên vùng đất Bến Tre, nói đến con ba khía là nói đến ba huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Một lần về Thạnh Phong (Thạnh Phú), tôi được người dân nơi đây cho biết: Con ba khía ở vùng Thạnh Phong, Giao Thạnh có thịt ngon, thơm.

Lý do là vùng đất này có loại trái mắm đen - đây là loại cây chắn biển tốt, nhiều rễ bám sâu vào lòng đất của vùng bãi bồi, hàng năm rụng trái làm đen cả nước - các chú ba khía ăn trái mắm đen nên gạch son nhiều và chắc thịt.

Vào khoảng rằm tháng mười (âl), không còn hang ổ vì con nước rong đầy, hàng vạn con ba khía trèo lên cây mắm, cây bần... bám vào thành từng chùm, từng chùm như bông trái. Người dân miệt này gọi là ngày "ba khía hội". Mỗi năm, chúng chỉ xuất hiện khoảng 3 ngày. Sau ngày hội hoành tráng này, ba khía lại tản đi hết, để rồi năm sau "đến hẹn lại lên".

Vào những ngày ba khía quần hội, người dân vùng rừng nước mặn 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú tổ chức đi bắt ba khía.

Ai cũng có thể bắt được ba khía, không kể đàn ông, đàn bà và cả trẻ con nữa. Thường khi đi bắt ba khía người ta phân công người cầm giỏ, người bắt ba khía, nhờ đeo bao tay mà khỏi bị ba khía kẹp. Khi ba khía tập trung nhiều thì người ta dùng hai tay mà hất, chứ bắt từng con thì cơ man nào cho xuể. Nhiều người mê bắt ba khía đến nỗi bị chúng kẹp sưng cả tay.

Sau khi bắt được ba khía rồi, người dân quê tôi lao vào công đoạn chế biến mắm ba khía. Trước tiên, người ta rửa sạch bùn bám trên thân chúng. Ba khía hội có cái hay là vì qua con nước lớn rong lại bám vào cây lá nên ít bị bùn bám vào. Tiếp đó, người ta chuẩn bị nước muối. Nước muối phải đạt độ mặn nhất định, không lạt quá và cũng không được mặn quá. Nếu lạt quá thì thịt ba khía sẽ mau bị bủn và mất mùi thơm. Nếu mặn thì thịt sẽ bị xẵng, không ngon. Kinh nghiệm pha nước muối là bỏ hạt cơm nguội vào, nếu hạt cơm nổi lên mặt nước là được. Nước muối chuẩn bị xong thì cho ba khía vào. Dụng cụ đựng ba khía là khạp hay xô nhựa to. Đậy kín miệng, khoảng 7 ngày là có thể ăn được.

Để mắm ba khía trở thành món ăn ngon, phải trải qua nhiều công đoạn chế biến. Má tôi đã chứng tỏ khả năng khéo léo, đảm đang khi chế biến nhiều món ngon từ ba khía. Trước tiên là tách thân ba khía ra khỏi mai, xong rồi, lại dùng tay tách xé ra từng mảnh nhỏ, thêm vào khế, chanh, ớt, đường, tỏi. Ớt phải là ớt trái, xắt khoanh, không ăn cùng ớt khô để khỏi bị "bán mùi". Trên mâm cơm phải có các loại rau sống như: dưa leo, rau thơm, rau răm... đặc biệt sẽ "tuyệt vời" nếu có thêm chuối chát, bần, ổi...

Mai ba khía nhất định không được bỏ, Thường người ta cho cơm nóng vào, trộn đều, lấy phần gạch son, sau đó trộn với cơm trắng, có thể gọi riêng là món "mai ba khía trộn cơm". Nên nhớ, ăn phải để cơm cho nguội, ăn cơm nguội với món mai ba khía, sau đó thì... "hiu hiu gió thổi...", nhớ nhờ người gọi dậy đi làm kẻo "ngủ quên".

Ba khía thường được chế biến thành nhiều món như: mắm ba khía, ba khía sốt me, ba khía xào lá cách, ba khía luộc sả ăn cùng muối tiêu chanh. Tuy nhiên, nhắc đến ba khía thì người ta nhớ đến ngay món ba khía muối - có lẽ từ thuở khai hoang, khẩn đất, món mắm ba khía (ba khía muối) của vùng Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại đã sớm được chọn làm món ăn truyền thống của nông dân đất Bến Tre, nên lâu dần đã trở thành đặc sản của vùng đất thuở còn hoang sơ mà quyến rũ này.

Ngày nay, do ảnh hưởng của phân thuốc hóa học và đặc biệt là môi trường bị tàn phá, nên con ba khía cũng ít dần.

Cách đây chừng trên ba mươi năm thôi, đi chợ nào của vùng biển Bến Tre, ta cũng như lạc vào giữa chợ toàn là ba khía. Ôi, ngày ấy giờ còn đâu nữa. Giá ba khía là đặc sản, ở chợ khoảng 80 đến 90 ngàn đồng/kg rồi đấy bạn ạ!

Quan trọng hơn, là bạn trẻ sau này, chắc chỉ biết ba khía qua hình vẽ mà thôi!

Chuyện ba khía cũng là chuyện môi trường đó vậy!.

Nguyễn Văn Lượng
Nguồn: baodongkhoi.com.vn