Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) được tính bằng số bé trai sinh ra sống so với 100 bé gái sinh ra sống trong cùng thời kỳ. TSGTKS thông thường là 103 – 106 bé trai trên 100 bé gái là ổn định. Ở đất nước ta, từ năm 2006 đến nay, TSGTKS gia tăng một cách bất thường, Bến Tre cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là tâm lý ưa thích con trai. Trong phạm vi cả nước, giai đoạn 2006 – 2008, TSGTKS tăng 1,15 điểm phần trăm/năm (cụ thể năm 2008 là 112,1 bé trai/100 bé gái). Năm 2009 – 2010, nhờ những nỗ lực của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), TSGTKS chỉ tăng 0,7 điểm phần trăm/năm (2010 là 111,2/100); năm 2011 - 2012, TSGTKS chỉ tăng 0,4 điểm phần trăm/năm (112,3/100). Tại Bến Tre TSGTKS năm 2012 là 109/100; 2013 là 108/100. So với một số quốc gia, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xảy ra muộn, nhưng tốc độ tăng nhanh. Xu hướng TSGTKS ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới và như nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Nguyễn Thiện Nhân nói: "Mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không kịp thời giải quyết sẽ để lại tai họa cho dân tộc và đất nước".
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là tâm lý ưa thích con trai. Ảnh: P.Trần
Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở Việt Nam sau (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc) đến nay đã có chuyển biến nhất định, nhưng để thoát ra khỏi hệ tư tưởng nầy là vô cùng khó khăn, không thể ngày một, ngày hai. Tình trạng một số phụ nữ phải phá thai nhiều lần vì kết quả siêu âm cho biết là thai nhi gái. Dù không muốn nhưng một số cũng không thể để đẻ do áp lực của gia đình nhà chồng. Sau những áp lực như vậy một số phụ nữ sinh ra stress, trầm cảm. Cũng chính bởi những áp lực nầy, nhiều phụ nữ đã phải tính làm sao để có được con trai ngay lần đầu tiên sinh nở. Qua khảo sát, thống kê TSGTKS cao ngay từ lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh cuối. Khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu, trong khi đó việc lựa chọn giới tính khi sinh ở nông thôn xuất hiện nhiều ở lần sinh thứ hai.
Thực tế đã cho thấy, tình trạng mất cân bằng TSGTKS ở nước ta đã đến hồi báo động. Những hệ lụy, hậu quả đã, đang và sẽ tới với chúng ta là vô cùng lớn. Chính vì thế, từ năm 2009, Bộ Y tế mà trực tiếp là Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai thí điểm đề án giảm thiểu mất cân bằng TSGTKS tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm về tình trạng nầy.
Mất cân bằng TSGTKS dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng: Dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ ở độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ kết hôn muộn và nhiểu người không có khả năng kết hôn. Dự báo Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050. Gia tăng bất bình đẳng giới; phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao; lạm dụng tình dục và bạo hành giới; buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.
Cần tuyên truyền vận động và giáo dục về bình đẳng giới. Ảnh: P.Trần
Giải pháp giải quyết vấn đề mất cân bằng TSGTKS: Tăng cường cam kết chính trị, hệ thống chính trị vào cuộc và quan tâm hơn trong việc giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuyên truyền vận động và giáo dục về giá trị của trẻ em gái, về bình đẳng giới và vị trí vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững với xã hội và gia đình.Tăng cường kiểm tra giám sát nhằm ngăn chận các hành vi lực chọn giới tính khi sinh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để giáo dục, răn đe, tạo dư luận xã hội sớm ngăn chận các hành vi nầy. Tăng cường và ưu tiên nguồn lực cho việc giải quyết các mục tiêu về mất cân bằng giới tính khi sinh. Triển khai đề án "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011 – 2020" tại các tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trầm trọng. Hỗ trợ tư vấn và chăm sóc tại cộng đồng nhằm cải thiện an sinh xã hội cho người cao tuổi sinh con gái. Tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Tại Bến Tre, nhiều giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi đã được cán bộ dân số chuyển đến cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế để đảm bảo an sinh xã hội… nhằm hỗ trợ cho việc lập lại về giới tính. Tuy nhiên, những việc làm nầy vẫn chưa thấy được hiệu quả rõ ràng bởi gốc rễ ở đây là tư tưởng của người dân, đặc biệt là làm thay đổi suy nghĩ truyền thống về giới tính trong mỗi người. Từ nhận thức đến chuyển đổi hành vi, thay đổi phong tục tập quán là một vấn đề không dễ dàng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đức Khang