Theo ông Phạm Văn Hữu - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Thủy (Ba Tri), thời gian gần đây, đoàn viên đã trực tiếp liên hệ với Ban Chấp hành (BCH) Nghiệp đoàn nhờ can thiệp giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến hoạt động đánh bắt trên biển.
Cụ thể như phương tiện cào đôi bay của ngư dân các huyện lân cận và tỉnh khác từ hoạt động đánh bắt cách bờ biển hàng chục hải lý nay đã chuyển sang đánh bắt ven bờ. Các phương tiện cào đôi bay vào cận bờ khai thác đã gây thất thu cho các chủ phương tiện lưới ba, lưới cá, lưới rập, lưới sĩ… vốn đã đánh bắt tuyến ven bờ. BCH Nghiệp đoàn Nghề cá đã họp và thống nhất kiến nghị Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành nắm tình hình, cho tàu kiểm ngư tiếp cận phương tiện đánh bắt sai tuyến. Kết quả, ngành hữu quan đã phát hiện và xử phạt hành chính 9 cặp tàu và thông tin phản hồi với BCH Nghiệp đoàn. Hiện nay không còn phương tiện đánh bắt sai tuyến, đã tạo lòng tin đối với ngư dân đánh bắt gần bờ.
Nghiệp đoàn Nghề cá là điểm tựa để ngư dân bám biển. Ảnh: T. Long
BCH Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Thủy đang xúc tiến giúp đoàn viên về việc đăng kiểm phương tiện. Trước đây, phương tiện đánh bắt hết thời hạn đăng kiểm do điều kiện khách quan được gia hạn 1 tháng, nay chỉ gia hạn 1 ngày. Trong khi đó, điều kiện đánh bắt ngày càng khó khăn, có chuyến ra khơi phải kéo dài đến 4 tháng mới đảm bảo lợi nhuận. Nhiều phương tiện khi cặp đất liền trễ thời hạn đăng kiểm quá 1 ngày phải chịu nộp phạt, gây bức xúc trong ngư dân. BCH Nghiệp đoàn sẽ có kiến nghị ngành hữu quan xem xét tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển.
Bên cạnh đó, BCH Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Thủy còn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hoạt động từ thiện hướng đến ngư dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nghiệp đoàn đã vận động 150 phần quà, trị giá 15 triệu đồng tặng các em học sinh là con của ngư dân; vận động mạnh thường quân hỗ trợ 50 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên có người thân là liệt sĩ xây dựng nhà ở; trợ cấp khó khăn cho 11 đoàn viên, mỗi suất 300.000 đồng, tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người thân của ngư dân…
Cũng theo ông Phạm Văn Hữu, trong hoạt động, Nghiệp đoàn gặp nhiều khó khăn. Đoàn viên tham gia bám biển dài ngày, ngành nghề đánh bắt khác nhau không thể tập trung đầy đủ để họp lệ kỳ. Theo thỏa thuận, mỗi đoàn viên đóng góp 20.000 đồng/tháng để tạo quỹ hoạt động nhưng vẫn chưa thu được. BCH Nghiệp đoàn chưa tìm nguồn kinh phí hoạt động, chưa được hưởng phụ cấp. BCH Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Thủy đang tiếp tục kiến nghị Công đoàn cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động, trong đó có mua tài liệu gởi trực tiếp đến chủ tàu để tuyên truyền những vấn đề cần thiết đến với ngư dân. BCH dự kiến sẽ mời đại diện chủ tàu tham gia họp lệ kỳ và có trách nhiệm truyền đạt lại ngư dân; thành lập các tổ nghiệp đoàn cùng ngành nghề để việc tập hợp đoàn viên được thuận lợi hơn. BCH Nghiệp đoàn đề nghị các chủ tàu tham gia đóng góp kinh phí hàng tháng thay cho ngư dân để tổ chức thăm hỏi, kịp thời chia sẻ với ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là điều kiện để giúp ngư dân gắn bó lâu dài với chủ phương tiện, từng bước khắc phục tình trạng biến động lao động ở các tàu đánh bắt xa bờ.
Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Thủy nói riêng và ba huyện biển (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) của Bến Tre nói chung mới được thành lập. Trong hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực lớn của BCH và đoàn viên Nghiệp đoàn cũng như sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Công đoàn và ngành hữu quan.
Trần Quốc
Nguồn: baodongkhoi.com.vn