Site banner

Ngư dân sẽ giàu lên nếu có giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lợi thiên nhiên

Chiều ngày 1-8-2014, tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Trần Dương Tuấn - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã có buổi gặp gỡ ngư dân đánh bắt thủy hải sản xã Bình Thắng.

Thu hoạch và phân loại tôm sú ở huyện Bình Đại. Ảnh: H. Vũ

Đồng chí Trần Tấn Công - Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2014 của huyện trên lĩnh vực đánh bắt, khai thác thủy sản; chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá; tổ đội đánh bắt, hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá, Nghiệp đoàn Bốc xếp; khu neo đậu tránh trú bão; phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai… Ngoài ra, đồng chí cũng báo cáo kết quả giải quyết ý kiến của ngư dân trong cuộc họp mặt ngư dân đầu năm 2014. Đại diện lãnh đạo huyện, các ngành đã ghi nhận và giải đáp thỏa đáng nhiều ý kiến bức xúc của ngư dân, như: tuyến đường từ vàm Bình Thắng ra biển có nhiều cồn nổi gây khó khăn cho tàu ra vào, cần lắp hệ thống phao dẫn luồng; ngân hàng cần có chính sách hợp lý trong cho vay để ngư dân có khả năng cải hoán tàu thuyền nâng công suất, đóng mới; đường công vụ của khu neo đậu tránh trú bão chưa có, cần được đầu tư; có kế hoạch nạo vét tuyến sông Bình Châu vì đang bị bồi lấp; cần có cơ quan giám định thiệt hại độc lập để hỗ trợ bồi thường bảo hiểm ngư dân khi tàu gặp nạn; có chính sách thỏa đáng tránh trường hợp tư thương ép giá khi vào cảng; kéo dài thời gian đăng kiểm; thi công nhanh việc mở rộng cảng cá, an ninh trên biển…

Lãnh đạo tỉnh, huyện họp mặt với ngư dân. Ảnh: H.H

Đồng chí Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh thông tin chính sách mới của Chính phủ đối với ngư dân, cho rằng việc kết hợp đánh bắt thủy hải sản với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam là vô cùng quan trọng. Muốn làm được việc đó thì cần có tàu công suất lớn. Việc Chính phủ chủ trương triển khai Nghị định 67 về việc hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn là cơ hội để ngư dân đóng mới, chuyển đổi nâng công suất tàu lớn hơn. Cơ chế chính sách mới này đã thật sự hấp dẫn, đáng để ngư dân tìm hiểu, lựa chọn phương án tối ưu nhất. Việc giá cả tăng cao, các cơ quan chuyên môn từng lúc sẽ có giải pháp ổn định; việc cảng cá chưa đáp ứng nhu cầu cặp cảng của ngư dân. UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cấp mở rộng để sớm đưa vào phục vụ.

Đại diện ngư dân đến dự và trao đổi với lãnh đạo về các chính sách hỗ trợ đánh bắt. Ảnh: H.H

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những cố gắng của ngư dân và cho rằng cuộc gặp gỡ, tiếp xúc này giúp đồng chí và lãnh đạo tỉnh có dịp tìm hiểu, nắm thêm thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành sắp tới. Đồng chí nhấn mạnh: Bến Tre có 2 thế mạnh là kinh tế vườn và thủy sản. Tiềm năng kinh tế biển còn rất lớn nếu có chủ trương, giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lợi thiên nhiên to lớn này sẽ giúp ngư dân đi lên làm giàu. Tuy nhiên, nghề khai thác đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Lãnh đạo tỉnh chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của ngư dân và đề nghị các sở, ngành tỉnh, huyện ghi nhận đầy đủ những ý kiến phản ánh, kiến nghị của các đại biểu ngư dân để có chủ trương, giải pháp hỗ trợ kịp thời. Để phát triển kinh tế biển, Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 11; UBND tỉnh cũng đã xây dựng Đề án phát triển toàn diện 3 huyện biển; các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú cũng đã đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Đoàn tàu của ngư dân Bình Thắng trong Lễ hội Nghinh Ông hàng năm. Ảnh: H.H

Đồng chí Nguyễn Thành Phong nêu một số điều cần làm trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện tốt qui hoạch thủy sản, trong đó có khai thác trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu đánh bắt xa bờ, theo hình thức tổ đội, liên kết trên biển để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phối hợp hoạt động giữa lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ để bảo vệ chủ quyền vùng biển và sẵn sàng chi viện cứu hộ khi gặp nạn. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng cảng cá, phát huy khu neo đậu tránh trú bão, khuyến khích đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho thuyền viên. Phối hợp tạo điều kiện cho ngư dân trong hoạt động khai thác. Cần tổ chức định kỳ gặp gỡ ngư dân, các chủ doanh nghiệp đánh bắt, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc, có chủ trương, giải pháp kịp thời. Đối với ngư dân, doanh nghiệp khai thác thủy sản, cần quan tâm trang bị mới phương tiện, công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác; không vi phạm vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế của các nước; đặc biệt là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì ra khơi bám biển, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước bằng những hành động thiết thực.

Bình Đại có trên 1.200 tàu đánh bắt thủy hải sản, chiếm 33% tổng số tàu toàn tỉnh. Trong đó, có 548 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm 31,6%. Sản lượng đánh bắt hàng năm đạt 50.000 tấn thủy hải sản, chiếm 40% sản lượng toàn tỉnh. Hiện có 7 doanh nghiệp đóng tàu, công suất 12 tàu/năm/cơ sở. 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác 27.500 tấn, đạt 55% kế hoạch năm; đóng mới 26 tàu, cải hoán 60 tàu, phát triển mới 9 doanh nghiệp sản xuất nước đá, công suất 100-200 tấn/ngày, sản lượng trung bình 270.000 tấn/năm; 26 cơ sở thu mua nguyên liệu, 12 tàu dịch vụ chuyển tải sản phẩm từ biển vào đất liền; thành lập 28 tổ đội sản xuất trên biển, với 95 tàu, 288 phương tiện, 1 Nghiệp đoàn Nghề cá với 313 đoàn viên, 1 Nghiệp đoàn Bốc xếp với 111 công đoàn viên.

Theo baodongkhoi.com.vn