Site banner

Nước sạch - vấn đề huyện biển cần được quan tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Khi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nước ở các sông rạch đang dần bị ô nhiễm… thì việc thiếu nước ngọt để phục vụ trong sản xuất cũng như sinh hoạt hàng ngày cho người dân là điều tất yếu. Từ đó, việc làm thế nào để giúp người dân, nhất là người dân ở các huyện biển, có được nguồn nước ngọt là vấn đề được Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung thực hiện.

Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của tỉnh Bến Tre tới năm 2040 dự báo nhiễm mặn vào sâu trong đất liền tới 40km. Tuy nhiên, năm ngoái tỉnh đã ghi nhận mức xâm nhập mặn lên tới 50km, qua theo dõi thấy mực nước biển tăng đáng kể và mực nước ngọt ở sông giảm. Trong một năm, ranh giới giữa nước ngọt và nước mặn đi sâu vào đất liền trong mùa khô và đẩy trở lại cửa sông và biển vào mùa mưa. Một xu hướng đã được ghi nhận trong vài năm qua, mức độ nhiễm mặn vào đất liền đang ngày càng gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đã tác động đến đời sống  người dân địa phương đáng kể, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt để uống và sử dụng hàng ngày.

Huyện biển Thạnh Phú là một điển hình, dù được nước bao quanh nhưng nơi đây vẫn thiếu trầm trọng nước sạch phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, huyện có hai nhà máy cung cấp nước tại thị trấn Thạnh Phú và xã An Nhơn. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình trong huyện vẫn chưa có nước sạch vì công suất hai nhà máy nước này chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của hàng ngàn hộ dân nơi đây. Để giúp người dân khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ kinh phí ban đầu xây dựng nhà máy cấp nước Thạnh Phú. Hiện, nhà máy đang phục vụ cho 3.000 hộ gia đình, nhưng với công suất 60m3/giờ, nhà máy có thể phục vụ cho thêm 200 hộ nữa. Tuy nhiên, những hộ gia đình này nằm ở khu vực xa so với đường ống hiện tại và việc mở rộng nhà máy lại vượt quá khả năng tài chính của các hộ dân và chính quyền địa phương.

Nhà máy nước Thị trấn Thạnh Phú. Ảnh Q.H

Từ nguồn vốn thích ứng với BĐKH (do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch - DANIDA tài trợ), hơn 500 hộ dân với khoảng 2.000 người ở huyện Thạnh Phú đã được tiếp cận nguồn nước từ nhà máy. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH tỉnh, dự án có thể được coi là một khoản đầu tư tốt vì được phát triển trên cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH sẵn có. Như vậy, chi phí đầu tư vẫn được giữa ở mức thấp, trong khi đem lại lợi ích đáng kể. Dự án thí điểm này chứng minh rằng có nhiều cơ hội để có thể tăng thêm giá trị cho các dự án sẵn có hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại.

Không dừng lại ở đó, DANIDA đã tài trợ tổng số tiền 4,75 tỷ đồng để giúp gần 2.500 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên địa bàn huyện Giồng Trôm và Thạnh Phú có ống chứa nước sạch bằng bê-tông, dung tích 2m3. Mục đích của dự án này nhằm giúp người dân có thêm dụng cụ chứa nước mưa, các hộ gia đình nghèo sẽ không phải mua nước hoặc sử dụng nước bị ô nhiễm từ kênh rạch. Dự án đã cấp phát 457 bể chứa nước dung tích 2m3 bằng bê-tông cho 457 hộ nghèo tại xã Bình Thành và Châu Bình (Giồng Trôm) và 1.926 bể chứa dung tích 2m3 bằng bê-tông được cấp cho 991 hộ nghèo tại các khu vực ven biển của huyện Thạnh Phú trong năm 2011. Như vậy, dự án đã mang lại lợi ích cho tổng số 1.448 hộ nghèo (khoảng 6.400 người dân) tại huyện Giồng Trôm và Thạnh Phú.

Ngoài chức năng trữ nước, các ống chứa nước được thiết kế theo các thông số kỹ thuật cho phép sử dụng như một nơi tránh bão khi bão lớn xảy ra. Vì tất cả những người hưởng lợi đều đến từ các hộ gia đình nghèo, phần lớn họ sống trong các ngôi nhà được xây dựng tạm bợ không đủ bảo vệ họ khi xảy ra bão. Các bể chứa nước được làm và sử dụng như một nơi trú ẩn an toàn khi các mảnh vỡ bay trong bão và trở nên rất nguy hiểm cho người dân.

Được hình thành từ ba dải cù lao, Bến Tre có hệ thống sông ngòi chằng chịt và đây chính là điều đã làm cho tỉnh gặp không ít khó khăn trong ứng phó BĐKH với hiện tượng nước biển dâng cao. Giải pháp tối ưu để giúp người dân có nguồn nước ngọt đó là xây dựng, nâng cấp các nhà máy nước và xây dựng hệ thống trữ nước. Đây cũng chính là mục tiêu được Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH đã và đang tập trung thực hiện.

Quốc Hùng