Site banner

Bến Tre tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

Trong thời gian qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về ứng dụng CNTT như: Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin”; Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để hoàn thành tốt mục tiêu thực hiện cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2012-2015 Ngày 16/5/2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã Chương trình hành động số 11-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Kết quả ứng dụng CNTT tỉnh Bên Tre năm 2016

Năm 2016, Bến Tre đã triển khai được rất nhiều hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước như: triển khai dự án nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bến Tre, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng tỉnh, dự án đầu tư hạ tầng, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Dự án Trung tâm tích hợp dữ liệu sau khi được nâng cấp sẽ đảm bảo cung cấp nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và có trang bị hệ thống tường lửa, hệ thống phòng chống thư rác, hệ thống phòng chống tấn công web, hệ thống giám sát và cảnh báo xâm nhập mạng trái phép.

Về hạ tầng CNTT: 100% các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng. Riêng đối với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hầu như chưa có kết nối mạng nội bộ, các máy tính sử dụng internet chỉ được thực hiện từng máy riêng lẻ. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đạt 95.6%.

Ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành: Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành M-Office lên phiên bản I-Office tại 30 đơn vị bao gồm: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Viện kiểm sát tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh. Qua thời gian triển khai nâng cấp có 20 đơn vị đã đưa vào vận hành sử dụng bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Việc triển khai nâng cấp thành công hệ thống I-Office đã giúp việc liên thông gửi nhận văn bản qua môi trường mạng giữa các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố được thuận lợi và hỗ trợ cán bộ, công chức giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác qua mạng internet; giảm giấy tờ photo góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính tại từng cơ quan nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao đúng theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, ngày 21/12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice năm 2016 và những năm tiếp theo. Từ ngày 01/4/2017, Bến Tre sẽ thực hiện gửi nhận văn bản liên thông 04 cấp.

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: hầu hết các thủ tục hành chính của các cơ quan đều được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 2, 3 trên trang thông tin điện tử của tỉnh (www.bentre.gov.vn) và cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Bến Tre (http://motcua.bentre.gov.vn).

Ngày 7/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công văn phê duyệt Kế hoạch 1122/KH-STTTT ngày 21/10/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông về ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2017. Theo kế hoạch năm 2017, tỉnh sẽ thực hiện gửi nhận văn bản liên thông 04 cấp trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phấn đấu đạt 100% văn bản như giấy mời hợp, thông báo của các cơ quan nhà nước được gửi dưới dạng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ; đảm bảo 100% các thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 80 tục hành chính cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT, an toàn và bảo mật thông tin cho cán bộ, công chức các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo chuyển biến đáng kể về phương pháp làm việc của cán bộ, công chức trong tỉnh; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, tăng cường năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển lĩnh vực CNTT nói riêng. Và để triển khai tốt kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2017, cũng như kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020, người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững với phương châm “phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội”.

Tấn Trận