Site banner

Nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở huyện Thạnh Phú, giải pháp nào hợp lý?

Năm 2013, dù trong điều kiện diễn biến bất lợi của thời tiết nhưng tình hình nuôi tôm thủy sản trên địa bàn huyện Thạnh Phú diễn ra khá thuận lợi. Toàn huyện đã thả nuôi thủy sản các loại trên diện tích 16.771ha, đạt sản lượng 24.000 tấn.

Ngư dân tập trung nuôi trồng các loại như: nghêu, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, mực, cá các loại… Diện tích nuôi tôm bị thiệt hại 167ha (trong đó, có 38ha tôm sú, 129ha tôm thẻ chân trắng). Đa số người nuôi đều có lãi cao (từ vài trăm triệu đồng trở lên).

Trong năm 2013, tình hình nuôi thủy sản chuyên canh nước mặn, nước lợ - đặc biệt là mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ngoài vùng quy hoạch và trên đất giồng cát diễn biến phức tạp, với diện tích khá lớn (dù ngành chức năng huyện đã tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật). Theo phân tích của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng NN&PTNT) huyện Thạnh Phú, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nuôi tôm bộc phát, ngoài vùng quy hoạch chủ yếu gồm: do tình hình triều cường, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và lấn sâu vào nội đồng trong vùng ngọt hóa đã tạo điều kiện cho người dân phát triển mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng; vì lợi nhuận từ nuôi tôm thẻ chân trắng cao hơn so với các hình thức canh tác nông nghiệp khác do thời gian nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ngắn, khoảng từ 2 đến 2 tháng rưỡi và tôm có khả năng thích nghi độ mặn thấp và phát triển thuận lợi với môi trường nên người dân đã tự ý chặt phá bỏ dừa, mía… trong vùng ngọt hóa và chuyển từ cây hàng năm, cây lâu năm trên đất giồng cát để thực hiện mô hình

Nuôi tôm càng xanh tại xã Thới Thạnh.

Ông Phan Văn Bình - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú cho biết: "Diện tích nuôi ngoài vùng quy hoạch trên địa bàn huyện là 353,8ha; trong đó, có 35,46ha trong vùng ngọt hóa, 299,56ha ngoài đê bao, 18,78ha trên đất giồng cát. Đồng thời, người dân đã sử dụng nguồn nước ngầm để phục vụ cho việc nuôi tôm. Theo thống kê, trong vùng dự án ngọt hóa có 85 giếng khoan được sử dụng cho nuôi thủy sản nước mặn". Việc xử lý vi phạm hành chính địa phương thực hiện theo Nghị định số 103/2013 của Chính phủ, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động nuôi thủy sản, trong đó có quy định về việc xử lý hành vi nuôi thủy sản ngoài vùng quy hoạch chưa đạt hiệu quả cao, vì Nghị định mới có hiệu lực kể từ ngày 1-11-2013, trong khi người dân đã đào ao nuôi tôm trước đó. Và hiện nay, các hộ nuôi cho rằng diện tích mà họ sử dụng để nuôi thủy sản nước mặn, lợ là diện tích đất sử dụng kém hiệu quả (đất bìa chéo, đất lá). Mặt khác, một yếu tố khách quan là Dự án Ngọt hóa 418 chưa được khép kín (cống Giồng Luông, cống Cái Quao chưa được đầu tư) tình hình xâm nhâp mặn sâu và lâu nên năng suất cây trồng không mang lại hiệu quả cao, cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân nuôi thủy sản không theo đúng quy hoạch.

Hiện UBND huyện Thạnh Phú đã chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch; vận động các hộ dân nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ ngoài vùng quy hoạch và trên đất giồng cát chuyển sang hình thức nuôi thủy sản nước ngọt (tôm càng xanh, cá lóc, cá rô...); đồng thời, chỉ đạo cho ngành chức năng xử lý nghiêm các hộ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Theo ý kiến của lãnh đạo chính quyền địa phương và của nhiều người dân, rất mong ngành chức năng sớm tổ chức khảo sát, hội thảo và có quy hoạch cụ thể đối với vật nuôi, cây trồng thuộc khu vực Dự án Ngọt hóa 418 theo hướng có lợi nhất cho nông dân.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức
Nguồn: baodongkhoi.com.vn