"…Ai xuôi ngược trên khắp nẻo quê hương/Nhớ quay về vui đón mùa xuân yêu thương/Lòng dạt dào hồn xuân nao nao/Thật tuyệt vời mùa xuân thanh cao" (Đoản ca xuân). Năm hết, Tết đến, lời bài hát này khiến trái tim những ai đang xa xứ nao nao muốn trở về bên mái ấm gia đình. Công nhân cầu đường cũng không ngoại lệ.
Công trình là nhà
Đứng trên cầu Chợ Lách lồng lộng gió, giữa cầu có một lỗ hổng rộng cỡ 1m2, đó là lối ra vào giữa "bụng cầu" và mặt cầu để công nhân hàn sắt, đổ vữa. Không khí bên trong rất ngột ngạt, nóng nực, tối mà công nhân vẫn tất bật làm việc.
Sau một ngày vất vả hàn sắt, anh Nam tắm rửa, ăn cơm xong ra đứng cạnh dòng kênh Chợ Lách nhìn tàu ghe qua lại. Công trình cầu Chợ Lách thấm thoát thi công đã được 14 tháng, đi qua hai cái Tết rồi, Nam nhẩm tính. Thấy anh cứ lẳng lặng nhìn dòng sông, đồng nghiệp í ới gọi Nam đi bộ tập thể dục. Tôi bèn đùa: Bộ anh Nam nhớ cô nào hả? Dì Năm, người nấu ăn nhiều năm cho công nhân cầu đường bảo: Nó nhớ vợ con đó, nhớ mà không biết làm sao về được. Tiền lương mỗi tháng có bao nhiêu nó gửi về quê hết rồi, làm gì có chuyện tơ tưởng đến cô nào. Nghe dì Năm nói mà tôi thấy gió lạnh trời chiều có sá gì với nỗi nhớ nhà trong lòng anh Nam lúc này. Quê Nam ở tận Thanh Hóa. Muốn về thăm vợ và hai con, hai lượt đi về phải mất 4 ngày, tiền xe, ăn uống cũng ngót 2 triệu đồng/lượt. Vậy là anh dằn nỗi nhớ lại trong lòng.
Công nhân công trên trình cầu Cầu Ván lúc nào cũng làm việc miệt mài. Ảnh: Xuân Hương
Một lần về Thạnh Phú thăm chiếc cầu Cầu Ván, một công trình cấp quốc gia đang gấp rút hoàn thành cho kịp tiến độ thông xe trước Tết Nguyên đán 2014, chúng tôi có dịp trải lòng với những buồn vui đời người công nhân tại đây. Các công nhân không ngớt lời bông đùa: "Làm việc cho công trình là không đứng yên, từ Bắc chí Nam đâu cũng có thể dừng chân, ngoại trừ nhà". Sau những lời vui cười, chuyện trò là khoảng chậm lại trong từng lời tâm sự. "Nhớ! nhớ nhiều lắm vợ con, gia đình và cảnh vật ở quê. Nhưng vì hoàn cảnh phải chấp nhận chứ ai muốn xa gia đình". Tha hương cầu thực thì ai không xót xa, không da diết khi nghĩ đến gia đình, người thân... Chú Đặng Trọng Năm, 43 tuổi, quê Nghệ An, là công nhân tự do có trên 6 năm đi làm các công trình, thổ lộ: "Mình xa xứ làm sao tránh được những buồn tủi. Mỗi người mỗi cảnh, gia đình khó khăn thì phải chịu nay đây mai đó".
Đa số công nhân tại công trình cầu Cầu Ván từ miền ngoài vào, do đó sự khác biệt từ khẩu vị đến thời tiết càng làm tăng nỗi nhớ quê và gia đình hơn. Các công nhân có thể bị cảm nắng, cảm lạnh do không quen thời tiết. "Buồn nhớ gia đình nhất là lúc ốm đau này" - chú Năm tâm sự. Trong buổi chiều xám màu mưa, chúng tôi trò chuyện người đàn bà duy nhất trong hơn 50 công nhân. Chị Nguyễn Thị Hoa Phượng vào nghề hơn 25 năm chia sẻ: "Công việc làm rồi thấy quen, không vất vả nhưng nhớ con lắm… Biết khi mô mới về. Về được gần gia đình nhưng không có tiền để lo cho con…". Chợt hiểu, người đàn bà kia cố kiên cường để giấu đi nỗi niềm nhớ con nơi xa.
Công nhân Nguyễn Công Lý cho hay: "Một năm ở bên gia đình khoảng một tháng là nhiều, thời gian còn lại lưu động theo công trình. Hàng năm, dịp Tết được nghỉ 15 ngày phép, chưa hết mùa xuân lại khăn gói lên đường vì công việc, tiếp tục tháng ngày xa nhà". Anh em ở đây đang trông đợi từng ngày để được nghỉ Tết, về đoàn tụ bên gia đình.
Vẫn ấm áp giữa trời Nam
Có dịp trò chuyện, tâm sự cùng những công nhân cầu đường, chúng tôi mới nhận ra, tuy họ làm công việc tay chân rất nặng nhọc không có nghĩa họ không lãng mạn. Anh Thống quê ở Đắk Lắk, năm nay 27 tuổi, có 5 năm làm công nhân cầu đường. Ban ngày trải qua nắng gió công trường cầu Chợ Lách, tối đến Thống lại… thêu thùa. Anh Thống thêu rất khéo, con gái chưa chắc sánh bằng. Đó là tranh thêu chữ thập có dòng chữ "Cha Mẹ…Thương cha xuôi ngược giữa dòng/Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con…", kèm là hình ảnh một chiếc cầu đưa lối về ngôi nhà nhỏ. Thống kể: Em điện thoại về bảo đang thêu tranh, Tết về con biếu ba mẹ, ba mẹ ngạc nhiên vì… khó tin quá, con trai mà lại! Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Thống phải đi làm kiếm tiền nuôi cậu em học trung học phổ thông. Cậu em vừa đậu 3 trường đại học, quãng đường "nuôi em" của Thống vẫn còn dài. Thế là bao nhiêu nỗi nhớ nhà, anh gửi hết vào từng đường kim mũi chỉ.
Thông - một công nhân cầu Chợ Lách đang thêu tranh làm quà Tết biếu người thân sau mỗi ngày làm việc. Ảnh: T. Thảo
Đến lán trại của công nhân Công ty Quyết Tiến (trụ sở Hà Nội, là một trong hai đơn vị thi công phần cầu Chợ Lách), chúng tôi thấy có nhiều hoa hồng đặt trong xô. Dì Năm "bật mí": Đó là hoa đám cưới của một cậu công nhân trong đội. Ngày cưới, bố cậu ấy từ Bắc vào, không có mẹ nên tôi thấy thương đứng sui thay mẹ cậu ấy. Cô dâu là cô giáo ở Vĩnh Long. Đãi nhà hàng xong, cô dâu túm bó hoa hồng tặng tôi. Tụi nhỏ (công nhân cầu đường) thấy thương lắm, chỉ biết lo làm lụng nuôi gia đình, không có ăn chơi nhậu nhẹt gì hết. Công trình giờ đã đến hồi hoàn thiện nên cảnh làm đêm cô không thấy được, vất vả lắm!
Mặc dù xa nhà, thỉnh thoảng cồn cào những nỗi nhớ niềm thương nhưng với tinh thần trách nhiệm, các công nhân tại công trình cầu Cầu Ván vẫn miệt mài, hăng say lao động để hoàn thành công việc. Theo anh Nguyễn Hồng Sơn - Quản lý công trình thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Trường Sơn, theo qui định của Công ty, khoảng 20 tháng Chạp là công nhân được nghỉ Tết và trở lại làm việc khoảng mùng 10 tháng Giêng. Theo chế độ, mỗi lao động có một kỳ nghỉ phép 15-20 ngày, còn các ngày còn lại làm việc bình thường. Trường hợp gia đình có hữu sự thì công nhân có thể xin về. Anh Sơn cho biết thêm, lãnh đạo địa phương thường xuyên thăm hỏi, đôn đốc, khích lệ tinh thần, công nhân như được tiếp thêm sức mạnh, hăng say lao động trong ngày cuối năm.
Được biết, các công ty công trình xây dựng có tổ chức Công đoàn thường xuyên quan tâm đến chế độ và trợ cấp cho công nhân. Từ đó, đời sống anh em công nhân được quan tâm cải thiện. Ngoài ra, công ty có trang bị ti-vi và một máy vi tính có nối mạng internet tại công trình nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của công nhân. Anh Phan Bình Sinh - nhân viên thống kê Công ty Công trình Giao thông 499 cho biết công nhân thu nhập đủ sống. Ngoài tiền lương trung bình 7,5-8 triệu đồng/tháng (tùy tay nghề, bậc lương), ăn ở, chi phí sinh hoạt được công ty hỗ trợ. Ngoài tiêu xài cá nhân, đa số công nhân gửi về quê. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty chăm lo bữa ăn no ấm, cảnh sống xa nhà của công nhân cũng phần nào ấm áp.
PHAN HÂN - THẠCH THẢO
Nguồn: baodongkhoi