Site banner

Sắn trúng mùa, rớt giá

Hiện nay, sắn tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải (Thạnh Phú) có giá 2.500đ/kg, và sẽ còn tệ hơn nữa. Trong khi đó, thời điểm gieo hạt cho vụ dưa hấu Tết đã cận kề, nên nông dân không thể giữ diện tích sắn lâu hơn.

Giá sắn rơi tự do

Chị Lê Thị Điểm - một thương lái đến từ tỉnh An Giang phân tích: Trong tháng 8-2013, sắn có giá cao là vì được tiêu thụ mạnh, bởi trùng dịp tháng 7 âm lịch là tháng ăn chay, nhiều người ưa dùng. Đó cũng là đầu mùa thu hoạch nên số lượng sắn còn ít. Còn nay đã đến chính vụ nên sắn thu hoạch có số lượng lớn, giá rẻ là điều dễ hiểu. Còn theo ông Dương Văn Định - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hải, sắn đã đủ ngày tuổi để thu hoạch, nhưng với đà rớt giá như hiện nay, nông dân sẽ có lãi rất ít. Trong khi đó sản lượng sắn năm nay rất cao, năng suất đạt từ 3,5 đến 5 tấn/công (625m2).

Trong tháng qua, giá sắn giảm đến 50% (từ 5.000 xuống còn 2.500đ/kg). Bà con nông dân tuy trúng mùa nhưng vẫn phải lo lắng vì giá cả. Đứng trên đám sắn xanh rờn, gần 2,5ha, đã hơn 4 tháng tuổi, ông Mười Lên (ấp Thạnh Hưng A - xã Thạnh Hải) tâm tư: "Mỗi công sắn của tôi nếu thu hoạch sẽ được khoảng 3,5 tấn. Bán giá 2.500đ/kg, tôi sẽ có lãi từ 3 triệu đến 4 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí hạt giống, phân tro, nhân công, bạt phủ…, còn tính luôn công của tôi thì lỗ rồi" - vừa nói, ông vừa nhổ lên củ sắn đã hơn nửa ký.

Dù củ sắn đã hơn 0,5kg, nhưng nông dân này vẫn giữ lại.

Đành chịu ép giá, vì vụ dưa Tết đã cận kề

Dù vậy, bà con trồng sắn sẽ không thể trữ sắn lại trên đất lâu hơn để chờ giá lên, vì đã cận kề thời điểm gieo hạt cho vụ dưa Tết. "Nếu giữ lại trong đất thì thời gian tối đa sẽ là 1 tháng rưỡi trước khi sắn lên mọng, nhưng lúc đó năng suất sẽ giảm đi do củ sắn bị khô nước. Nhưng nếu làm vậy mà giá có lên cao thì vụ dưa hấu Tết sẽ thất bại, do không bán được ngay trong dịp Tết" - ông Mười Lên phân trần.

Theo anh Lâm Văn Long (ấp Thạnh Thới A - xã Thạnh Hải), một thương lái địa phương, đồng thời là nông dân canh tác trên 2ha sắn: Đầu vụ, sắn có giá cao thật, nhưng lấy đâu ra sắn mà bán. Nay thì rẻ như bèo mà số lượng quá nhiều, cộng với cận kề vụ dưa hấu quyết định của năm, nên bà con ở đây phải chấp nhận thua thiệt để thương lái ép giá, chứ chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Bà con mong muốn có công ty nào đó bao tiêu, thì chắc chắn giá sắn sẽ ổn định và nông dân cũng sẽ chẳng còn lo sợ sự ép giá của thương lái.

Thạnh Phong và Thạnh Hải là địa bàn có diện tích sắn lớn nhất tỉnh (sản xuất trên 500ha/năm), giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động trên địa bàn. Nhưng vì trúng mùa, rớt giá như thế này, nên sự thất vọng đã nhen nhúm trong suy nghĩ của nhiều nông dân.

Bài, ảnh: MÃ PHƯƠNG
Nguồn: baodongkhoi.com.vn