Phát huy truyền thống anh hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, những người con quê hương Thạnh Phú, nơi xuất phát chuyến vượt biển đầu tiên của đoàn đại biểu Bến Tre ra miền Bắc gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng, mở đường chi viện của Trung ương cho miền Nam; nơi có cầu tiếp nhận vũ khí chi viện cho chiến trường trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển... từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua khó khăn, thi đua lao động, sản xuất đưa Thạnh Phú ngày một phát triển đi lên. Năm 2013, huyện Thạnh Phú vinh dự được UBND tỉnh Bến Tre và Thủ tướng Chính phủ tặng cờ Thi đua xuất sắc.
Với điều kiện địa lý nằm ven biển, Thạnh Phú xác định kinh tế thủy sản và nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn. Theo đó, huyện chú trọng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng vùng sinh thái, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả. Việc đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, kết hợp trồng xen, nuôi xen, đi đôi với sản xuất, dịch vụ và các làng nghề ở nông thôn ngày càng mở rộng, tạo điều kiện phát triển bền vững.
Lễ thông xe Cầu Ván, huyện Thạnh Phú. Ảnh: B.T
Trong lĩnh vực thủy sản, huyện chọn tôm biển, tôm càng xanh, nghêu, sò, cá, cua…là những đối tượng nuôi chủ lực. Đến cuối năm 2013, Thạnh Phú có tổng diện tích nuôi thủy sản ổn định 16.770 hecta, trong đó có gần 15.800 hecta nuôi tôm các loại. Tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt 24.000 tấn. Nhờ áp dụng nhiều hình thức như thâm canh, bán thâm canh, xen canh, quản canh, quản canh cải tiến, chú trọng chất lượng con giống nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Lê Văn Thuận, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú phấn khởi cho biết: "Cuộc sống người dân chúng tôi bây giờ đã phát triển hơn rất nhiều so với trước đây. Nhờ nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên trồng trọt, chăn nuôi rất thuận lợi. Bản thân tôi 2 năm qua, nhờ chuyển từ vườn dừa 5 công đất kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng" .
Cây lúa trên địa bàn huyện Thạnh Phú nhờ chuyển đổi cơ cấu vụ mùa và thay đổi giống lúa cũ bằng các giống lúa mới có năng suất cao, phù hợp với từng vùng sinh thái kết hợp với việc đầu tư hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh và việc tăng cường ứng dụng khoa học vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và sản lượng các năm qua đều tăng, đạt từ 5 tấn – 5,5 tấn/hecta; cây dừa diện tích duy trì ổn định 4.400 hecta, sản lượng 41 triệu trái/năm. Chăn nuôi phát triển cả về qui mô và chất lượng, toàn huyện hiện có tổng đàn bò 29.880 con, đàn heo 32.000 con, đàn gia cầm 550.000 con. Về lâm nghiệp, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện tốt dự án bảo tồn thiên nhiên ngập nước huyện Thạnh Phú, bảo vệ an toàn số diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn, góp phần tích cực vào việc tạo cảnh quan bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân nông thôn, Thạnh Phú tập trung thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các địa phương trong huyện đã huy động sức dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn bằng việc vận động nhân dân góp ngày công, hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2013, huyện đầu tư gần 100 tỷ đồng, trong số này nhân dân đóng góp trên 2,2 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng cầu, đường nông thôn. Hiện nay 16/16 xã của huyện Thạnh Phú đạt từ 6 đến 9 tiêu chí, trong đó, 02 xã điểm Đại Điền đạt 09 tiêu chí và Quới Điền đạt 07 tiêu chí.
Thi công lộ bê-tông xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Đ.S
Ông Phạm Thành Năng, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú nói: "Chủ trương của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới rất đúng đắn và hợp lòng dân vì góp phần nâng cao đời sống người dân chúng tôi. Vì vậy mà tôi và người dân nơi đây sẵn sàng tham gia thực hiện bằng việc hiến đất, góp ngày công để làm giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế gia đình ngày một ấm no".
Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện Thạnh Phú không ngừng phát triển. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng được thu hẹp, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm ổn định ở mức cao. Có 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được nâng lên, đến nay có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 30% trên chuẩn. Hiện nay có 8 trường đạt chuẩn quốc gia.
Điển hình như trường THPT Trần Trường Sinh nằm trên địa bàn xã Giao Thạnh, một xã vùng sâu của huyện Thạnh Phú. Bằng sự nỗ lực trong giảng dạy và học tập của nhà trường mà thành tích luôn đạt ở mức cao. Năm 2011 – 2012, tỷ lệ tốt nghiệp của trường đạt 98,45%; năm 2012 – 2013 đạt 100%. Hay như trường trung học cơ sở Trần Thị Tiết, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú luôn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua đạy tốt, học tốt ở bậc học trung học cơ sở của huyện.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm tốt, đến nay huyện Thạnh Phú có 18/18 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% Trạm Y tế có bác sĩ phục vụ. Thạnh Phú có 100% xã, thị trấn, 100% ấp đạt chuẩn văn hóa.
Trong năm 2013, huyện đã xây dựng 78 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, 135 nhà tình thương cho hộ nghèo. Công tác giảm nghèo được sự quan tâm của toàn xã hội, …góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2013 còn 13,36%. Quốc phòng và an ninh được tăng cường, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Đường về xã ven biển An Điền huyện Thạnh Phú được đầu tư đã góp phần nâng cao đời sống người dân trong vùng. Ảnh: C.Dương
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú nói: "Đạt được kết quả trên là nhờ những năm qua phong trào thi đua yêu nước của huyện Thạnh Phú có sự chuyển biến tích cực. Huyện luôn quan tâm công tác nêu gương, nhân rộng điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Qua các phong trào thi đua, đã có nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc được huyện, tỉnh, Trung ương khen thưởng gương điển hình về phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… đã có tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc ngày càng vững mạnh. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phong trong năm 2014, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, cụ thể như các phong trào thi đua cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh giỏi... Việc phát động phong trào thi đua ở huyện gắn chặt chẽ với thực thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Cao Dương