Site banner

Thạnh Phú: Tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân

Tháng 02/2005, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 46 về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Sau 10 năm triển khai thực hiện, huyện Thạnh Phú đã đạt được nhiều kết quả nổi bậc. Điều đáng ghi nhận là đã nâng tầm nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ ngành y tế về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đội ngũ y bác sĩ luôn tận tâm phục vụ người bệnh

Để triển khai Nghị quyết 46 đạt kết quả, huyện đã xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện và ban hành nhiều Quyết định, công văn có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn đã đề ra chỉ tiêu, biện pháp thực hiện sát với tình hình thực tiễn địa phương; đồng thời, xem đây là một trong các tiêu chí để bình xét ấp văn hóa, xã văn hóa và đánh giá đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh hàng năm…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, có thể nhận thấy, 10 năm qua, hệ thống y tế được phát triển ngày càng hoàn thiện. Đến nay, huyện và các xã, thị trấn đều thành lập được BCĐ chăm sóc sức khỏe ban đầu, hệ thống y tế dự phòng và quản lý chất lượng VSATTP được củng cố. Công tác phòng chống dịch bệnh và giám sát tình hình dịch tễ luôn được quan tâm, nhất là đã ngăn chặn kịp thời dịch cúm AH5N1, Sốt xuất huyết, Sốt rét… 10 năm qua, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Hằng năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đều đạt trên 97%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 20% năm 2005 còn 12,6% năm 2015. Chương trình Nha học đường được triển khai đến 100% các trường tiểu học, 18 xã, thị trấn thực hiện đạt chỉ tiêu hàng năm ở các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chương trình phòng chống lao, đảm bảo chất lượng VSATTP…

Kết quả quan trọng nữa đó là mạng lưới ytế cơ sở được quan tâm củng cố dần đi vào hoàn thiện với tất cả các xã, thị trấn đều xây dựng được Trạm Ytế hoặc phòng khám khu vực. Tất cả các Trạm đều đạt chuẩn Quốc gia về ytế, đảm bảo có bác sĩ, y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, 100% Trạm cơ sở có cán bộ y học cổ truyền, gần 97% ấp có y tế ấp hoạt động. Tất cả các xã, thị trấn đều có Chi hội Đông y hoạt động có hiệu quả, mang lại niềm tin trong nhân dân. Ngoài ra, việc kết hợp Quân dân y trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được 2 trạm xá Thạnh Phong và An Điền nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân dân tại các vùng bãi ngang, ven biển.

10 năm qua, việc đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị ytế luôn được huyện tranh thủ tối đa các nguồn lực. Trong đó, đã nâng cấp, xây mới bệnh viện huyện với tổng kinh phí 36 tỷ đồng, đang xây dựng mới 5 Trạm Ytế các xã An Nhơn, An Quy, An Điền, Quới Điền và Hòa Lợi với tổng nguồn vốn 20 tỷ đồng. Toàn huyện có 19 cơ sở khám chữa bệnh với gần 300 giường, trong đó riêng các Trạm có gần 100 giường bệnh, phục vụ tốt cả điều trị ngoại trú và nội trú. Đối với bệnh viện huyện, hiện nay đã được trang bị một số trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm màu, máy nội soi, xét nghiệm, đo điện tim… từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự tín nhiệm đối với bệnh nhân. Điều này, phần nào thể hiện qua mức thu viện phí tăng từ 1,7 tỷ đồng năm 2005 lên hơn 5 tỷ đồng ở năm vừa qua.

Cơ sở vật chất tuyến y tế cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang

Để có được niềm tin trong nhân dân, huyện rất chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn và y đức cho đội ngũ cán bộ y tế. Đến nay, toàn ngành y của huyện có gần 280 cán bộ, công chức, viên chức với hơn 50 bác sĩ, trong đó trên đại học có 23 người. Những năm qua, đội ngũ này luôn tận tâm với công việc, phát huy được chuyên môn, có ý thức phục vụ nhân dân, hạn chế sự phiền hà trong người bệnh và thân nhân. Đồng thời, đội ngũ này còn rất tích cực trong việc rèn luyện, phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân.

Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, những năm gần đây, công tác xã hội hóa ngành y tế đã được các địa phương quan tâm, huy động được nhiều nguồn lực từ những cá nhân, tổ chức giúp sức. Qua đó, đã tổ chức hàng trăm đợt khám chữa bệnh miễn phí, phẩu thuật đục thủy tinh thể cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, hộ nghèo, gia đình chính sách… với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức và duy trì bếp ăn từ thiện tại bệnh viện huyện khá hiệu quả, góp phần thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện tại địa phương. Mặt khác, phải kể đến công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh khi phổ biến được những kiến thức, kỹ năng phòng bệnh trong nhân dân, tạo được nếp sống vệ sinh đến với từng người, từng nhà…

Có thể nói, với những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị khóa IX, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp trong tình hình mới hiện nay. Những chuyển biến tích cực đó, đã góp phần làm thay đổi và nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng… Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Đó là một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở thiếu quan tâm đến hoạt động y tế. Công tác phối hợp giửa ngành y tế với các ban ngành đoàn thể đôi lúc chưa đồng bộ, thiếu chặt chẻ, vai trò tham mưu của Trạm ytế với cấp ủy Đảng, chính quyền đôi lúc chưa kịp thời. Bên cạnh, cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của xã hội, trong đó phải kể đến việc đầu tư kinh phí cho y tế cơ sở và công tác xã hội hóa y tế còn hạn chế…

Tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị khóa IX vừa được Huyện ủy tổ chức gần đây, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Trần Thanh Tùng đã phát biểu yêu cầu các Chi, Đảng ủy trực thuộc và các ngành có liên quan cần tiếp tục học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là công nhân, viên chức ngành y tế trong thời gian tới. Thực hiện tốt các chương trình y tế Quốc gia, y tế hợp tác đạt và vượt chỉ tiêu. Song song đó, tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế. Hoàn thiện y tế dự phòng, quản lý tốt chất lượng VSATTP. Củng cố hệ thống tổ chức y tế cơ sở theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục tranh thủ nguồn lực sớm đầu tư xây dựng mới Trạm Y tế các xã bãi ngang, các Trạm xuống cấp cùng lúc với việc đầu tư mới các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Đề xuất tăng thêm nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên cho tuyến y tế cơ sở. Quan trọng hơn hết là cần xây dựng kế hoạch đào tạo dược sĩ đại học, bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa sâu; đồng thời, đào tạo về lý luận chính trị cho cán bộ y tế lãnh đạo các khoa phòng và Trưởng Trạm Ytế cơ sở, đủ tầm để thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho là bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân…

Quốc Vinh