Du lịch ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của con người, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Xác định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch mang lại, trong những năm qua, lãnh đạo các cấp luôn quan tâm đến công tác phát triển du lịch. Đặc biệt, từ khi có chủ trương của tỉnh về phát triển các loại hình du lịch ở các xã ven biển đến năm 2020, lãnh đạo huyện Ba Tri cũng như xã An Thủy luôn quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, nhằm đưa du lịch vùng ven biển phát triển đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Du khách về tắm biển tại bãi biển An Thủy.
An Thủy cách Thị trấn Ba Tri khoảng 6km về hướng Đông Nam, có bờ biển dài khoảng 7km, hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ thực vật phong phú, đa dạng. An Thủy được phù sa bồi đắp quanh năm, tạo nên hai dải cồn Tròn và cồn Hố, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản. Khí hậu nóng ẩm 2 mùa rõ rệt tạo cho An Thủy một đặc thù kinh tế tổng hợp: nông - lâm - ngư - diêm nghiệp. Xã có diện tích tự nhiên 3.063ha, đất nhiễm mặn chiếm 2/3, còn lại là đất nông nghiệp. Xã có 3.515 hộ với 15.435 nhân khẩu, 158 tổ nhân dân tự quản; 5/5 ấp văn hóa, được công nhận Xã văn hóa vào năm 2012; 25/27 cơ quan, đơn vị, chợ, nơi thờ tự được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Người dân An Thủy hiền hòa, đôn hậu, giàu lòng hiếu khách.
Nếu ai đã một lần ghé qua An Thủy thì sẽ không khỏi ngạc nhiên với sự thay da đổi thịt từng ngày của vùng đất này. Đến đây, bạn sẽ được cảm nhận cái mát của tiết trời, cái ấm áp của hương biển, nét chan chứa trong ẩm thực mà người dân muốn gửi gắm. Ngoài ra, bạn còn cảm nhận được sự tinh tế, độc đáo của văn hóa tâm linh trong các hoạt động lễ hội dân gian như: lễ hội Nghinh Ông ở ấp An Lợi (16, 17-1 al), lễ cúng bà Cửu Thiên Huyền Nữ ở ấp An Bình (12-2 al), lễ cúng bà Thiên Hậu ở ấp An Thuận (16, 17-6 al)...
An Thủy thừa hưởng các yếu tố do thiên nhiên ban tặng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch trong tương lai. Diện tích khoảng 200ha, cồn Tròn, cồn Hố là hai điểm diễn ra các hoạt động trồng trọt và nuôi trồng thủy hải sản. Đây cũng là tiền đề, là điều kiện để phát triển các loại hình du lịch đặc sắc và đa dạng như: du lịch tham quan vườn dưa hấu, du lịch biển, du lịch homestay, du lịch khai thác nghêu, sò, ốc và đặc biệt là du lịch cùng ngư dân tham gia các hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Không gian tự nhiên, thoáng đãng gần gũi với thiên nhiên, cồn Tròn, cồn Hố là nơi thuận lợi để xây dựng các khu khách sạn nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế về đây nghỉ mát, nghỉ dưỡng cũng như nghiên cứu sinh vật…
Là xã ven biển, nên hoạt động đánh bắt thủy hải sản ở An Thủy diễn ra cũng rất sôi nổi. Sản lượng khai thác hàng năm khá cao, đạt khoảng 37.000 tấn, rất thuận lợi để mở nhà hàng với các món hải sản như: nghêu, sò, ốc, mực, tôm, cua, cá, ghẹ… còn tươi nguyên, tạo cảm giác thích thú, khám phá nét mới lạ cho du khách. Ngoài ra, An Thủy còn là xã có tốc độ phát triển cao, kinh tế mũi nhọn là đánh bắt thủy hải sản rất phát triển, kéo theo các hoạt động khác như: làng nghề cá khô, chế biến thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Khu vực Tiệm Tôm vừa được công nhận là Đô thị loại V và trong tương lai sẽ thành lập Thị trấn Tiệm Tôm.
An Thủy cũng là xã có đầu mối giao thông quan trọng, hệ thống giao thông nằm trong tuyến tỉnh lộ 885, rất thuận lợi cho đường thủy, đường bộ, góp phần làm cầu nối cho các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển. Đặc biệt, hai điểm nằm trong dự kiến phát triển du lịch cồn Tròn, cồn Hố đã được đầu tư xây dựng cầu và lộ. Trong tương lai, các công trình sẽ hoàn tất, hoạt động giao thông sẽ diễn ra thông thoáng, tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận gần hơn với An Thủy.
Với những tiềm năng hiện có, đồng thời với hỗ trợ từ các ngành, các cấp, sự quan tâm của các nhà đầu tư, An Thủy trong tương lai sẽ trở thành điểm du lịch phát triển.
Bài, ảnh: Huỳnh Văn Bình
Nguồn: baodongkhoi.com.vn