An Hòa Tây là một trong những xã ven biển của huyện Ba Tri chịu tác động nặng nề bởi tình hình biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán đã tác động mạnh mẽ, gây thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế của người dân nơi đây.
Được sự tài trợ của tổ chức phi chính phủ Oxfam, Dự án RADCC Bến Tre đã thực hiện mô hình sinh kế nuôi dê sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu, đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án là những hộ nghèo. Qua thời gian thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Bé Diệu, ấp An Phú I, chia sẽ kinh nghiệm trong việc chăm sóc đàn dê gia đình.
Tham gia mô hình, mỗi hộ được Dự án hỗ trợ 1 con dê cái, giống Bách thảo hoặc Bách thảo lai có trọng lượng từ 20 – 28kg; đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê theo từng công đoạn từ khâu hướng dẫn làm chuồng trại, đến khâu chọn lựa giống và quản lý dịch bệnh.
Nhờ sự chăm sóc tích cực của người dân, đặc biệt là thích nghi với điều kiện của biến đổi khí hậu nên số dê nuôi đều phát triển tốt. Từ năm 2014 đến nay, toàn xã An Hòa Tây có 309 hộ nghèo được Dự án RADCC hỗ trợ dê giống, xã đã thành lập được 6 nhóm nuôi dê tại các ấp. Qua hơn 3 năm thực hiện, nhìn chung số dê giống phát triển bình thường và đã sinh sản mang về nguồn thu nhập cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Bé Diệu, ấp An Phú I, là một trong những người được dự án hỗ trợ dê để nuôi vào cuối năm 2014. Lúc đầu, chị rất lo ngại vì không có nhiều thức ăn cho chúng do không có đất để trồng cây, cỏ; nước ngọt chưa đủ cho sinh hoạt gia đình, sao có cho vật nuôi uống. Song qua thời gian nuôi, chị rất yên tâm vì thức ăn cho dê rất dễ tìm, từ các loại cây, cỏ mọc xung quanh nhà, ngoài bờ đê. Dê cũng không kén ước uống. Bên cạnh đó, chuồng chỉ làm đơn sơ. Sau hơn hai năm nuôi, hiện tại số dê trong chuồng của gia đình chị Diệu có 11 con, ngoài ra chị đã xuất bán hàng chục con, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Hiện nay, ngoài việc nuôi dê tạo thu nhập, người dân cũng dần nâng cao nhận thức và thực hành chăn nuôi hiện đại quản lý tốt chất thải, ủ phân bón cho cây trồng, giảm tác động xấu đến môi trường, nâng cao chuổi giá trị của con dê, tăng thu nhập cho gia đình.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Cường, ấp An Phú II, quy mô nuôi trung bình khoảng 3 con dê, cùng với 4 con bò, kết hợp với trồng khoảng 1.000m2 rau hữu cơ. Anh tận dụng phân dê, phân bò đem ủ, rồi dùng làm phân bón trồng rau hửu cơ, vườn rau sử dụng phân hửu cơ luôn xanh tốt và được các thương lái đặt mua, từ đó tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho gia đình. Anh Cường cho biết tính riêng trong năm 2016, từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau hửu cơ, gia đình anh thu nhập trên 40 triệu đồng. Hiện nay, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch trung bình khoảng 15kg rau hửu cơ, giá bán 15.000 đ/kg, trừ chi phí gia đình lãi khoảng 200.000 đ/ngày.
Có thể thấy, kết quả này đạt được nhờ sự cần cù, chịu khó và biết tận dụng tốt lợi thế sẵn có tại gia đình cũng như địa phương để kết hợp chăn nuôi và trồng trọt tạo sự phát triển ổn định và bền vững.
Từ mô hình hỗ trợ sinh kế nuôi dê sinh sản của Dự án Radcc, đến nay trên địa bàn xã An Hòa Tây hầu hết số hộ chăn nuôi đều đạt hiệu quả, kinh tế phát triển và nhiều hộ xin thoát nghèo, tính riêng trong năm 2016 vừa qua xã có 15 hộ trong mô hình thoát nghèo.
Với ưu điểm tốn ít vốn, dễ mua, dễ bán, mô hình nuôi dê sinh sản do Dự án RADCC thực hiện đang dần trở thành cứu cánh của những hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất. Hiện tại dê thương phẩm đang có thị trường tiêu thụ rộng lớn, được đánh giá khá cao nên khi được nhân rộng tại địa phương sẽ tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân. Mô hình nuôi dê thực sự đã và đang trở thành mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân vùng ven biển ổn định cuộc sống.