Suy giảm tài nguyên nước do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá và gây khan hiếm nước ngọt. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh ven biển gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
Rừng đước phát triển tươi tốt trong Khu Bảo tồn rừng ngập mặn Thạnh Phú. Ảnh: H.H.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động nặng nề
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên Trái Đất (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Amazon (Nam Mỹ)) dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Những diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi đã và đang tác động ngày càng nặng nề lên khu vực này. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu thì vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 – 3 độ C, mực nước biển có thể dâng thêm từ 75cm đến 01 mét. Khi ấy, sẽ có khoảng 40% diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập; khoảng 12% dân số cả nước bị ảnh hưởng trực tiếp và gây tổn thất khoảng 10% GDP.
Tỉnh Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trên 90% diện tích đất có cao độ địa hình từ 1 – 2 mét so với mực nước biển; trong đó, vùng cửa sông, ven biển chỉ dưới 1 mét, thường xuyên ngập triều nên là địa phương dễ bị tổn thương nhất ở nước ta do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Khu rừng chết ven biển Thạnh Hải. Ảnh: HH
Theo các kịch bản trong nước và quốc tế về biến đổi khí hậu, Bến Tre có 5 lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất gồm: nông – lâm – ngư nghiệp; tài nguyên nước; công nghiệp – giao thông vận tải và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt tại đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: xâm nhập mặn, hạn hán, triều cường, mưa bão, giông lốc có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng mạnh hơn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: Nếu nước biển dâng cao thêm 1 mét thì khoảng 70% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, sẽ mất khoảng 2 triệu hecta đất trồng lúa, nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước, cụ thể, Bến Tre mất 1.131 km2, tức hơn 50% diện tích; Long An mất 2.169 km2, gần 50%; Trà Vinh mất 1.021 km2, gần 46%; Sóc Trăng mất 1.425 km2, gần 44%, Vĩnh Long mất 606 km2, gần 40%... Theo kịch bản này, thời gian ngập úng ở đồng bằng sông Cửu Long có thể kéo dài 4 đến 5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn.
Đất ven biển đồng bằng sông Cửu Long còn là nơi phân bổ của hai dạng chính đó là đất phèn tiềm tàng và đất rừng ngập mặn. Đây là khu vực chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Với diện tích đất bị nhiễm phèn tiềm tàng khá lớn cho nên khi khô hạn có nguy cơ chuyển hóa thành đất phèn hoạt động luôn hiện hữu. Còn khi nhiệt độ tăng, thủy triều thay đổi tác động mạnh vào hệ thống rừng ngập mặn ven biển, đe dọa đến sự sống còn của rừng ngập mặn cũng như các loài sinh vật đa dạng trong đó.
Nước biển dâng cao hơn sẽ làm cho nhiều vùng đồng bằng nước ngọt hiện nay trở thành vùng nước lợ, làm thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy và gây ngập 90% diện tích. Theo dự báo, trong vài chục năm tới, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn đồng bằng sông Cửu Long vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp. Ngoài ra, việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng trở nên khó khăn so với hiện tại.
Vun đắp màu xanh ven biển
Tỉnh Bến Tre có gần 4.000 hecta rừng ngập mặn, trong đó có khoảng 1.000 hecta rừng tự nhiên và 2.900 hecta rừng trồng với các loại cây như: đước, đưng, bần, mắm, phi lao…Đai rừng ngập mặn ở ven biển Bến Tre đã phát huy cao chức năng phòng hộ, chống xói lở bờ biển, bồi lấp đất ở các bãi bồi, góp phần đẩy nhanh tốc độ bồi tụ, mở rộng đất sản xuất, đặc biệt là bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở khu vực vùng cửa sông, ven biển.
Xác định được tầm quan trọng của rừng, sau năm 1995, Bến Tre đã xây dựng các dự án bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như: Dự án rừng phòng hộ ven biển với diện tích 5.351 hecta tại huyện Ba Tri, Bình Đại và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú với diện tích 2.584 hecta. Khu Bảo tồn thiên nhiên ngập nước Thạnh Phú nằm cuối nguồn của hệ thống sông Cửu Long, giáp cửa sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Qua ghi nhận của Viện Quy hoạch Nam bộ, khu bảo tồn này có 10 loài cây trồng và 119 loài mọc tự nhiên thuộc 45 họ thực vật; động vật có 8 loài lưỡng cư, 27 loài bò sát, 16 loài thú và 60 loài chim. Về tài nguyên thủy sản, thực vật nổi có 85 loài tảo, động vật nổi có 46 loài, động vật đáy có 38 loài; tài nguyên cá với 3 loài thuộc 4 họ; tài nguyên tôm có 6 loài thuộc 4 họ; nghêu giống tự nhiên có mật độ phổ biến từ 100 – 2.500 cá thể/m2. So với các khu bảo tồn thiên nhiên khác tại đồng bằng sông Cửu Long, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú được đánh giá rất phong phú, đa dạng sinh học hơn nhiều.
Tác động biến đổi khí hậu không loại trừ quốc gia nào. Rồi đây, hậu quả của nó sẽ còn lớn hơn và nặng nề hơn mà con người khó có thể lường trước được. Vì vây, khôi phục, phát triển và bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống rừng ngập mặn ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long đang là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Huỳnh Thanh Quang