Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú mãnh đất giàu truyền thống cách mạng, người dân có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau giải phóng Thạnh Phong bắt tay vào xây dựng quê hương trong bộn bề khó khăn. Đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Khó khăn là vậy, nhưng khát vọng vươn lên đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người tạo nên động lực không nhỏ biến thành một sức mạnh chung đưa Thạnh Phong ngày càng phát triển. Xã đã khai thác tốt tiềm năng sẳn có, tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân. Làm cho diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống người dân được nâng lên, kinh tế của xã thêm phần khởi sắc.
Năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thạnh Phong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong bối cảnh tình hình chính trị, xã hội tại địa phương ổn định, kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất Ngư – Nông - Lâm nghiệp, nuôi và đánh bắt Thủy sản là thế mạnh của địa phương. Xã hiện có gần 2900 ha nuôi thủy sản các loại, trong đó nuôi tôm quảng canh, xen cua, cá hơn 2300 ha, diện tích nuôi tôm thâm canh 190ha, tăng hơn 130 ha so với đầu nhiệm kỳ, sản lượng trên 4.500 tấn các loại. Toàn xã có gần 75 tàu hoạt động khai thác đánh bắt, tổng sản lượng hơn 1000 tấn. Đẩy mạnh phát triển mô hình 1 tôm 1 lúa xen cua, cá trong diện tích nuôi tôm quảng canh đem lại hiệu quả cao. Việc cải tạo giồng tạp, trồng cây ăn trái có bước phát triển đáng kể, diện tích cây màu 330 ha với các loại như bắp, khoai, dưa, sắn, …Đặc biệt là cây xoài trồng khá nhiều trên đất giống cát ven biển đem lại thu nhập khá cao cho nông dân. Đàn bò hiện có hơn 1000 con, tăng 540 con so với đầu nhiệm kỳ; đàn heo ổn định hàng năm trên 600 con; đàn gia cầm gần 29.000 con.
Thương mại, dịch vụ có bước phát triển, toàn xã có 240 cơ sở thương mại dịch vụ tăng 85 cơ sở. Tuy chưa có chợ trung tâm, nhưng xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao lưu hàng hóa, trong nhiệm kỳ qua đã đầu tư nâng cấp chợ Khâu Băng đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa cho nhân dân ấp Thạnh Hòa và các ấp lân cận.
Điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ qua đó là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nhiều công trình trọng điểm đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả như: đường ra biển Đông, nhà tránh bão, cầu Gòn, chợ Khâu Băng, Trạm y tế, trường THCS và tiểu học Thạnh Phong A… Ngoài ra, xã đã nâng cấp trải đá dăm và bê tông hóa hương lộ các ấp, xây dựng mới 12 cầu, nạo vét hệ thống thuỷ lợi, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hoá được dễ dàng hơn. Hệ thống lưới điện trung và hạ thế phủ kín địa bàn, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng điện hiện nay đạt gần 99% tăng gần 20% so với đầu nhiệm kỳ. Tổng thu ngân sách 5 năm qua gần 15 tỷ đồng đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm.
Giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới, căn bản và toàn diện. Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư từng bước phát triển theo hướng đạt chuẩn quốc gia như Trường Trung học cơ sở, Trường Tiểu học Thạnh Phong A, nhiều công trình phụ ở Trường Tiểu học Thạnh Phong B. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, đã đầu tư xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Phong trào thể dục thể thao phát triển khá tốt, mạng lưới truyền thanh được phủ khắp địa bàn xã.
Năm năm qua, xã còn tập trung cao cho công tác xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của ấp văn hóa. Các tiêu chí hộ gia đình từng bước phát triển, các danh hiệu văn hóa luôn giữ vững và nâng lên rõ rệt. Tháng 9.2013 Thạnh Phong đã được tỉnh công nhận là xã văn hóa đây là ghi nhận cho sự nổ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân, tạo tiền đề cho xã tập trung vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua rà soát của Ban chỉ đạo xã theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đến nay có 5 tiêu chí đạt 100% gồm quy hoạch, y tế, điện, Bưu điện, hệ thống chính trị.
Thạnh Phong còn có nhiều nổ lực trong thực hiện chính chính sách an sinh xã hội. 5 năm qua đã vận động xây tặng hơn 120 căn nhà tình thương, tình nghĩa; hỗ trợ xây dựng trên 180 căn nhà tình thương theo Quyết định 167 của Chính phủ. Bên cạnh, phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 15 lớp dạy nghề may gia công và đan lát. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo có hiệu quả, từ đó đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đã xóa được gần 280 hộ nghèo. Hiện nay, xã còn gần 390 hộ nghèo, chiếm hơn 14%, giảm gần 13% so với đầu nhiệm kỳ. Hộ khá, giàu tăng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/ năm, tăng gần 5 triệu đồng so với chỉ tiêu nghị quyết.
Công tác tuyển chọn gọi thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt chỉ tiêu trên giao. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,56 % so với dân số. Bên cạnh đó, phối hợp với Đồn Biên phòng Cổ Chiên thực hiện kế hoạch an ninh liên hoàn trên cơ sở đề án xây dựng xã vững mạnh toàn diện trong khu vực phòng thủ, bảo vệ an toàn, an ninh biên giới Biển. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với phong trào hành động cách mạnh ở địa phương tiếp tục được giữ vững và phát huy. Các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện khá tốt, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có sự chỉ đạo tập trung, đạt kết quả tích cực, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong học tập và làm theo. Nhiệm kỳ qua, có gần 70 tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng ở các cấp. Mô hình "Nhà nhà treo ảnh Bác", học sinh kể câu chuyện về Bác nhân buổi sinh hoạt dưới cờ ngày càng lan tỏa và phát huy hiệu quả cao.
Hoạt động của bộ máy chính quyền có nhiều tiến bộ, hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành được nâng lên. Ủy ban nhân dân thường xuyên chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh và đời sống nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ chuẩn chất, đề cao công vụ, có trách nhiệm với nhân dân; cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" đi vào nền nếp,.....
Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể được củng cố, nâng chất, tập hợp và vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Đồng thời, công tác tổ chức cán bộ thường xuyên được quan tâm củng cố kiện toàn. Đẩy mạnh năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên, chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều tiến bộ, công tác phát triển đảng viên mới được chú trọng hơn, tăng tỷ lệ trẻ và nữ. Trong nhiệm kỳ đã phát triển 70 đảng viên mới, đạt 100% so với Nghị quyết.
Ông Trần Văn Tơ, ấp Đại Thôn thời gian qua luôn tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nói về cảm nhận của mình về sự phát triển của quê hương Thạnh Phong trong những năm qua. Ông Tơ cho biết: "Những năm gần đây tôi thấy xã mình thay đổi nhiều điện, đường, trường, trạm nói chung là cái gì cũng phát triển hết. Đâu ai có nghĩ ở Giồng Dài giờ có lộ nhựa đâu, đâu ai có nghĩ đi ra Cồn Cao giờ có lộ đan đâu nhưng bây giờ có hết rùi. Bởi vậy, bà con tụi tui phấn khởi dữ lắm".
Thạnh Hòa là ấp đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, đời sống người dân cũng được nâng lên đáng kể. Nói về điều này ông Đào Văn Hải – Bí thư chi bộ ấp cho biết: "Nhiệm kỳ qua kinh tế của ấp có bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người 18 triệu đồng/ người/ năm đạt 100% so nghị quyết đề ra. Hộ nghèo được kéo giảm hằng năm. Diện mạo nông thôn đổi mới, việc đầu tư xây dựng 2 tuyến lộ đường ra Biển Đông và tuyến đường từ Nhà thờ qua Khém Thuyền tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn".
Những năm tới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thạnh Phong có nhiều thuận lợi cơ bản. Việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng đi vào chiều sâu, cơ chế, pháp luật của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Các công trình trọng điểm về phát triển giao thông, thủy lợi trên địa bàn xã đã và đang được đầu tư xây dựng, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kinh tế - xã hội của địa phương ngày thêm phát triển. Tuy nhiên, xã cần khắc phục tốt những khó khăn trong phát triển kinh tế hiện nay như việc nuôi thủy sản chưa bền vững, còn tự phát làm phá vỡ qui hoạch, dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra,…
Nhiệm kỳ tới, xã phấn đấu thực hiện đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng như đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35.000.000 đồng /năm. Hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-2%/ năm. Đồng thời, phấn đấu xây dựng nông thôn mới đạt ít nhất 10 tiêu chí. Tỷ lệ chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh đạt bình quân hàng năm là 60%; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ 90%,...
Nói về 1 số giải pháp trong phát triển kinh tế thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Tưởng - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Xã tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, là thế mạnh về thủy sản, bằng cách xây dựng hạ tầng thủy sản, đảm bảo tốt công tác thủy lợi nội đồng trong phục vụ nuôi thủy sản, quan tâm nhân rộng mô hình nuôi tôm xen cua, tôm lúa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban quản lý vùng nuôi. Trong phát triển thủy sản ưu tiên với phát triển khai thác du lịch biển, du lịch sinh thái, tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để phát du lịch. Bên cạnh, tăng cường công tác tuyên truyền học tập nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới. Xác định phương châm xây dựng nông thôn mới là lấy dân làm động lực chính; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện".
Có thể khẳng định, nhờ sự đồng lòng chung sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân mà trong nhiệm kỳ qua Thạnh Phong đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Tin tưởng rằng, với lợi thế, tiềm năng sẳn có và bằng sự cần cù, trí tuệ của người dân trong lao động, sản xuất. Sự bản lĩnh, đoàn kết của toàn Đảng bộ và nhân dân sẽ đưa Thạnh Phong phát triển vượt bật hơn nữa, tương xứng với tiềm năng vốn có. Đời sống người dân sẽ được nâng cao hơn, góp phần vào sự phát triển chung của huyện nhà, để luôn xứng đáng là một xã anh hùng.
Văn Minh