Hiện nay, tỉnh ta có diện tích rừng ngập mặn là 3.900 ha, trong đó rừng tự nhiên 1.000 ha, rừng trồng 2.900 ha gồm các loại cây chủ yếu như đước, đưng, bần, mắm, phi lao… được phân bổ ở 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tuy diện tích không nhiều nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đai rừng ngập mặn của tỉnh đã phát huy hiệu quả chức năng phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất ở các bãi bồi, góp phần đẩy nhanh tốc độ bồi tụ, mở rộng đất sản xuất, đặc biệt là bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bền vững ở khu vực vùng ven biển của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Bé - Phó Chi cục Trưởng Kiểm Lâm Bến Tre, diện tích rừng ngập mặn ở Bến Tre ngoài việc cung cấp nguồn gỗ, củi và đặc biệt là chức năng phòng hộ chống xói lở, duy trì cân bằng sinh thái ở vùng cửa sông, còn có tác dụng bảo vệ tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh quốc phòng vùng ven biển. Với vai trò quan trọng của đất rừng ở địa phương, tỉnh tiến hành xây dựng hai dự án trên ba huyện vùng rừng ngập mặn ven biển ở tỉnh Bến Tre. Đó là Dự án rừng phòng hộ ven biển với diện tích 5.351 ha ở huyện Ba Tri, Bình Đại và xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở Thạnh Phú với diện tích 2.584 ha.
Ảnh: Q.Hùng
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú là khu vực nằm trong vùng cửa sông Cửu Long. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực này đã trở thành vùng đất ngập nước có vai trò hết sức quan trọng, ngoài việc cung cấp gỗ, củi, đặc biệt có chức năng chống xói lở, cân bằng sinh thái cửa sông, còn có tác dụng bảo vệ đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất của nhân dân vùng ven biển, cung cấp nguồn giống, động thực vật và là nơi cư trú kiếm ăn của các loài sinh vật biển. Qua điều tra của Viện Quy hoạch Nam bộ, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú có 119 loài, gồm: 10 loài cây trồng và 109 mọc tự nhiên thuộc 45 họ thực vật, phong phú hơn nhiều so với rừng ngập mặn ở các khu bảo tồn thiên nhiên của đồng bằng sông Cửu Long; động vật đã thống kê được 8 loài lưỡng cư, 27 loài bò sát, 16 loài thú và 60 loài chim. Về tài nguyên thủy sản, đợt khảo xác tháng 6/2003 xác định thực vật nổi có 85 loài tảo; động vật nổi 46 loài, động vật đáy là 38; tài nguyên cá với 3 loài thuộc 4 họ; tài nguyên tôm có 6 loài thuộc 4 họ; nghêu giống tự nhiên có mật độ phổ biến từ 100-2.500 cá thể/m2.
Với điều kiện địa lý nên Bến Tre sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động của biến đổi khí hậu gây ra như triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn… làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của cộng đồng. Theo dự báo của các chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng 0,75-1m thì khoảng 60-70% diện tích tự nhiên của tỉnh bị ngập, một số khu vực ven biển đang bị xói lở mạnh, lấn sâu vào đất liền từ 20-30m/năm. Sự xâm nhập mặn và hạn, độ mặn 4%0 đã xâm nhập sâu vào đất liền trên 60km tính từ các cửa sông trong những năm gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn làm thiếu nước ngọt sinh hoạt và ảnh hưởng sản xuất, tính từ năm 1995-2008 đã làm thiệt hại hơn 670 tỷ đồng. Bão, áp thấp nhiệt đới tuy không thường xuyên gây ảnh hưởng trực tiếp nhưng các năm gần đây tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, thường xảy ra vào những tháng cuối năm gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân như cơn bão số 5 (tháng 11-1997) và cơn bão số 9 (tháng 12-2006), ước thiệt hại hàng tỷ đồng…
Ai cũng biết vai trò của rừng ngặp mặn đối với việc bảo vệ môi trường là rất quan trọng, nhất là tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Rừng ngập mặn của Bến Tre có chiều rộng đai rừng từ 50 - 2.000m, chủ yếu tập trung 3 huyện ven biển. Vì thế, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Với vai trò là "bức tường xanh", rừng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, nhất là vùng ven biển của tỉnh, hạn chế tình hình xâm nhập mặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường, cung cấp thức ăn và là nơi cư trú cho các loài thủy hải sản. Ngoài ra, rừng còn đảm nhiệm nhiệm vụ như là "lá phổi xanh" hấp thụ khí CO2, tác nhân gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên.
Để bảo vệ và phát triển rừng của Bến Tre trong thời gian tới, tỉnh đề ra một số giải pháp. Theo đó, tỉnh sẽ thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 7.833 hecta đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng mới hàng năm 100 ha, nâng diện tích rừng lên 4.400 ha vào năm 2015 và 4.900 ha vào năm 2020. Tỉnh sẽ thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, từng bước xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, ngành chức năng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất quản lý bảo vệ và phát triển bền vững vùng ven biển, các mô hình phòng chống xói lở an toàn và hiệu quả; nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng vùng cửa sông và ven biển.
Quốc Hùng