Site banner

Bình Đại: Cần nhiều nỗ lực hoàn thành tiêu chí hộ nghèo theo điều tra chuẩn nghèo đa chiều

Qua kết quả tổng điều tra hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Bình Đại đã mang chiều hướng tích cực, nhận thấy rõ sự thiếu hụt chung của địa phương để có chính sách giảm nghèo, góp phần giúp địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 sát với thực tế. Tuy nhiên, phương pháp này cũng sẽ trở thành một thách thức trong công tác xóa đói, giảm nghèo, mà đặc biệt là để hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, huyện Bình Đại đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo. Qua đó, các chế độ chính sách dành cho hộ nghèo đã tác động rất lớn đến với người nghèo, cận nghèo thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chí thú làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Từ sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo của huyện đã đạt nhiều kết quả, cụ thể năm 2011, huyện có 6.188 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,73%, cuối năm 2015, huyện giảm còn 2.605 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% (theo chuẩn cũ).

Tuy vậy, bước sang giai đoạn 2016-2020, với cách tiếp cận các tiêu chí nghèo đa chiều đã có nhiều thay đổi. Về tiêu chí thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng, cao hơn mức quy định cũ...

Cách tiếp cận này sẽ làm cho số hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi theo chiều hướng tăng. Theo kết quả điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của huyện, thì cuối năm 2015 toàn huyện có 4.428 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,07% (tăng 4,6% so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015)và 1.614 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,04%.

Như vậy, nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và đã thoát nghèo nay lại tái nghèo do không đáp ứng tiêu chí thu nhập theo quy định mới.Đồng thời, từnhiều hộ tái nghèo đã dẫn đến tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới đã không đạt, nhiều xã từ đạt tiêu chí nông thôn này đã trở thành không đạt. Tính đến  tháng 6 năm 2016, huyện có 7/10 xã đã giảm tiêu chí hộ nghèo mà trước đây đã đạt.

Có thể thấy rõ, 5 năm qua, huyện Bình Đại thực hiện quyết liệt nhất chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ điện, đường, trường, trạm... đều được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố thông qua nguồn vốn xã hội hóa và nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình. Ngoài ra, huyện còn tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và xem đây là cái gốc trong công tác giảm nghèo, xóa nghèo, xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Trước những khó khăn, thách thức về hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới cũng như là các vấn đề giảm nghèo theo tiêu chí mới thì huyện đã chuẩn bị tư thế và hướng giải pháp thiết thực, ông Võ Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhằm tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, huyện đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, giải pháp được đề cử hàng đầu vẫn là hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo”.

Đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo mới có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất huyện tiếp tục cho vay đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo còn dư nợ, có nhu cầu vay vốn bổ sung và có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, phấn đấu để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Kiện toàn củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện bình xét cho vay, quản lý vốn vay, giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo cần chuyển hướng năng động, thị trường đang có nhu cầu hoặc đào tạo nghề để chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất.Thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua đó góp phần giảm nghèo bền vững, tiến tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới”.

Tuyết Mai