Site banner

Bình Đại: Gương phụ nữ làm giàu từ mô hình nuôi dê sinh sản

Từ một hộ nghèo, nhờ cần mẫn với nghề nuôi dê sinh sản, mà giờ đây gia đình chị Lê Thị Hiếu, ở ấp Lộc Thành, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Gia đình nghèo, không đất sản xuất, không vốn làm ăn, nhà cửa nhìn trước thấy sau, mặc dù vợ chồng chị Hiếu đã tất bật bươn chải với đủ thứ nghề. Năm 2010, thấy được hoàn cảnh khó khăn của chị Hiếu, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lộc Thuận đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho chị Hiếu vay 20 triệu đồng và Dự án y tế Hà lan hỗ trợ vay ưu đãi 5 triệu đồng giúp gia đình chị có vốn làm ăn.

              Chị Lê Thị Hiếu chăm sóc đàn dê.

 Từ số tiền vay được, với suy nghĩ chăn nuôi nhỏ lẻ, tích dần nguồn vốn, chị Hiếu nhận thấy nuôi dê là phù hợp nhất, chuồng nuôi không đòi hỏi diện tích lớn nên cũng không tốn kém, do đó chị đã đầu tư vốn làm chuồng, thuê đất ruộng trồng cỏ và mua 2 con dê nái về nuôi.

Trong quá trình nuôi, chị tích cực tham gia một số lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê, đồng thời tích cực học hỏi các kinh nghiệm trên sách báo, truyền hình về cách phòng ngừa bệnh thường xuất hiện trên dê, nên đàn dê của chị luôn khỏe mạnh và tăng trưởng nhanh. Trung bình mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Sau khi nuôi từ 7 - 9 tháng chị bán đi và mua thêm dê nái khác về nuôi. Cứ thế, đến nay chuồng dê của gia đình chị Hiếu đã có 25 con, trong đó có 6 con dê đực, 10 con dê nái, còn lại là dê con.

Chị Hiếu cho biết: đối với dê đực chị nuôi khoảng 7 tháng, đạt trọng lượng 30kg, bán bình quân 3 triệu/1 con, đối với dê cái nuôi 9 tháng chị phủ nọc rồi bán, giá bình quên 5 triệu/1 con, giá bán trung bình dê đực mỗi kg là 105 ngàn đồng. Hiện, mỗi năm bình quân chị bán ra khoảng 15 con dê hơi, trừ các chi phí chị thu về hơn 50 triệu đồng.

Theo chị Hiếu: nuôi dê không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi chú ý thường xuyên vệ sinh sinh chuồng thông thoáng, tránh ẩm ướt và chịu khó theo dõi dê hàng ngày. Dê là động vật ăn tạp vì thế thức ăn của chủ yếu là các loại lá cây, cỏ, nên tốn ít chi phí thức ăn. Tuy nhiên, thức ăn cho dê phải đảm bảo khô ráo, mỗi ngày khi mặt trời lên, chị Hiếu mới đi kiếm thức ăn về cho dê.

Sau 4 năm nuôi dê sinh sản, chị Hiếu đã trả hết nợ vay, cất được căn nhà trị giá trên 300 triệu đồng và mua sắm nhiều vật dụng có giá trị khác.

Không những làm giàu cho gia đình, chị Hiếu còn tích cực vận động, hướng dẫn cách nuôi dê sinh sản hiệu quả cho hội viên, phụ nữ nghèo trong xã cùng vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, chị Hiếu sẵn sàng hỗ trợ dê giống và bán dê giống với giá ưu đãi cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. 

Từ thành công của bản thân, chị Hiếu đã được Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen với thành tích tích cực vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững và Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Xã Lộc Thuận hiện đang tăng tốc hoàn thành các tiêu chí phát triển đô thị loại V, vì vậy rất cần có những mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả như mô hình nuôi dê sinh sản của chị Lê Thị Hiếu. Chị Lê Thị Hiếu xứng đáng là gương điển hình của người phụ nữ làm kinh tế giỏi, để nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong xã noi theo.

Thanh Hương