Bài 2: Lao xao tìm nơi "hốt bạc"
Mỗi ngày, có hàng ngàn lượt khách du lịch đến biển Cồn Bửng (xã Thạnh Hải - Thạnh Phú). Vùng đất này bỗng trở nên quá tốt lành cho những người có nhu cầu kinh doanh về đầu tư làm kinh tế du lịch biển. Điều đó làm cho thị trường bất động sản cũng như dịch vụ ở đây diễn ra sôi nổi và có phần rối ren…
"Một vị trí ở Cồn Bửng ngày nay đâu phải chuyện dễ dàng"
Đó là lời nhận xét có phần ngao ngán của anh Bảo, đến từ huyện Mỏ Cày Bắc. Anh cho biết đã hơn 5 ngày qua ráo riết tìm mặt bằng để làm ăn ở đây, nhưng mọi giao dịch đều thất bại. Từ đầu năm 2013, khu du lịch Cồn Bửng nổi lên, lập tức có hàng trăm người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về làm ăn. Tình hình bất động sản ở đây cũng nhộn nhịp, căng thẳng hơn bao giờ hết.
Ngồi ở quán nước chú Ba Vạn chưa đầy nửa giờ, chúng tôi chứng kiến có đến 6 người đến hỏi chú để được mướn mảnh đất chưa đầy 300m2 toàn là cây cỏ nằm cạnh bên đường xuống biển. Nhưng, có lẽ do giá cả không thỏa thuận được nên họ vội vàng tìm đi nơi khác. Chú Ba cho biết: "Đất còn hoang nên công san lấp rất lớn. Nếu cho thuê với thời gian ngắn thì cũng khó lòng cho người ta, mà dài hạn thì tiếc. Tui quyết định mở rộng buôn bán".
Đối diện bên kia là công trình đang được khẩn trương xây dựng của chú Tư Thâu. Được biết chú đang xây một dãy nhà để bán quán ăn hải sản và cho khách thuê để xe hơi. Chú Tư nói: "Có 3 công đất, mở quán 1 công, 2 công còn lại người ta hỏi thuê suốt mấy tháng qua. Không biết bao nhiêu đất cho họ thuê mới đủ nữa, nhiều người lắm". Đứng bên cạnh là chị Thoa đến từ TP. Bến Tre, may mắn thuê được của chú Tư Thâu 1 công đất với giá 60 triệu đồng/2 năm. Hiện chị ráo riết xây quán.
Chúng tôi đang đứng nói chuyện thì có chiếc xe hơi chạy vào. Bước xuống là người đàn ông sang trọng xưng là Hoàng, đến từ Đà Lạt. Anh này đặt ngay vấn đề là muốn tìm mua hoặc thuê đất dài hạn để đầu tư làm khách sạn. Và họ sôi nổi đưa ra điều kiện với nhau. Chúng tôi cảm thấy sự chật chội hơn bao giờ hết ở vùng đất vốn hoang vu, rừng, nước lặng lẽ này!
Sự gần gũi, tình cảm giữa người dân và khách du lịch là ưu điểm của nơi này. Ảnh: M. P
Ân hận bởi sự vội vàng
"Anh nghèo, đến cái xe máy vài chục triệu bạc cũng là điều xa xỉ, quanh năm sống heo hút bên những cánh rừng tràm, rừng đước… kiếm từng đồng mà sinh sống, đất bán không ai mua, vì trồng cây gì cũng chết. Bỗng nhiên, có người đến hỏi mua đất của anh với giá cả tỷ bạc/công. Thử hỏi anh có đủ nghị lực để cưỡng lại sự sung sướng đó không?" - ông Nguyễn Văn Chí (một bác sĩ, khách du lịch đến từ xã Giao Thạnh cùng huyện) phân tích về tình hình bất động sản đang diễn ra nơi này.
Đây là nguyên nhân dẫn đến sự ân hận, nuối tiếc của một số gia đình, do đã bán đất với giá rẻ hơn giá thị trường hiện tại rất nhiều. Dù hiện ôm tiền bạc tỷ trong tay nhưng những tiếng tặc lưỡi vẫn thường trực mỗi khi có người khác hỏi thăm. "Nói chi cho bực! Năm 2011, tui bán hơn mẫu, giá chưa được trăm triệu đồng/công. Mới hồi tháng 4 năm nay, tui bán tiếp 1 công giá 600 triệu đồng, giờ lên cả tỷ bạc/công rồi. Tức xỉu thiệt chứ!". Nắm chặt tay đấm mạnh vào không khí, mặt nhăn nhó, đo đỏ như người say rượu, ông C. hối tiếc nói về sự vội vàng của mình. Được biết tại đây, có rất nhiều trường hợp như ông C.
Có nhiều gia đình bán đất được rất nhiều tiền, nhưng bản chất và suy nghĩ của những nông dân thuần túy nhiều đời nay vẫn đè nặng đầu óc muốn kinh doanh của họ. Họ loay hoay không biết làm gì với số tiền lớn ấy. Chị N. tâm sự với chúng tôi trong tâm thế của một người đã định thần lại sau cơn nông nổi: "Có tiếc thì cũng đã lỡ bán rồi. Sau sự việc này, tui rất ân hận, nhưng rõ ràng là không cứu vãn được. Giờ tui cố gắng rong ruổi ra biển bán hàng cho khách du lịch, kiếm cũng khá!". Trầm ngâm trong vài giây, chị tiếp: "Cũng tại mình ít học nên đâu biết được cái gì gọi là tiềm năng ở tương lai. Chắc chắn tui phải cho hai đứa con học hành tới nơi tới chốn để giỏi giang như người ta".
Được mặt bằng cũng bần thần lo nghĩ
Những người có tầm nhìn xa, nhạy cảm trong kinh doanh đương nhiên có thể đi trước những nông dân bản địa vài năm là điều dễ hiểu. Họ phát hiện được vị trí địa lý, cũng như điều kiện sinh thái tự nhiên ở biển Cồn Bửng có tiềm năng du lịch lớn nên đã đầu tư bất động sản ở đây từ rất sớm. Các tiểu thương đến từ nơi khác đương nhiên có may mắn hơn những người đến sau không tìm được mặt bằng, nhưng vẫn có rất nhiều trăn trở, lo lắng trong công việc làm ăn ở nơi mới mẻ này.
Anh T.T.K. đến từ quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) - một thương gia đã có nhiều năm trong việc kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, điện thoại di động, chia sẻ, anh đang kinh doanh nhà hàng tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trước đây vài năm, sau khi nghiên cứu kỹ về tiềm năng biển Cồn Bửng, anh đã quyết định đầu tư bất động sản để chờ. Nhưng mấy năm qua, do tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, anh bị ảnh hưởng rất nặng, lãi vay vẫn phải trả đều đều và sắp đến hạn trả nợ gốc. Dù anh đã có sẵn mặt bằng, nhưng vay vốn từ ngân hàng để đầu tư thì rất khó. Sau khi huy động từ mọi nguồn lực tài chính có thể, anh đang trong giai đoạn hoàn thành xây dựng nhà hàng tại đây. Anh K. phân tích: "Điều kiện tự nhiên ở đây rất thuận lợi. Hải sản tự cung tự cấp tại chỗ là một ưu thế lớn. Bờ biển dài và thơ mộng. Vị trí địa lý tiếp giáp Vũng Tàu, Ba Tri, Bình Đại (đường thủy), Trà Vinh… (đường bộ). Hơn nữa, đây là khu di tích có giá trị lịch sử lớn, được Nhà nước đầu tư hoành tráng. Dù trước mắt khó khăn, tương lai sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc làm ăn của mình tại đây".
"Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến A101 - Cồn Bửng sau 3 giai đoạn thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, thì diện tích tổng thể sẽ là 630ha (từ Cồn Bửng đến vàm Khâu Băng - xã Thạnh Phong). Vì thế, bà con không nên vội vàng, cần cân nhắc trước khi giao dịch buôn bán đất, để không phải hối tiếc về sau".
(Ông Phan Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải khuyến cáo).
Mã Phương
Nguồn: baodongkhoi.com.vn