Site banner

Gương thương binh điển hình trong phong trào giúp nhau thoát nghèo tại xã Tân Xuân

Nhìn cơi ngơi khang trang hôm nay, ít ai nghĩ người làm nên nó lại là một thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật 64%. Từ chỗ kinh tế gia đình vô vàn khó khăn, ông đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đồng thời bằng tình cảm chân thật, lòng nhiệt thành của người lính cụ Hồ, ông đã hỗ trợ, giúp được 2 đồng đội thoát nghèo. Người cựu chiến binh ấy được chọn là gương điển hình trong phong trào 5 cộng 1 của Hội Cựu chiến binh xã Tân Xuân huyện Ba Tri là thương binh Trần Văn Lãm, sinh năm 1968, ngụ tại ấp Tân Thanh 3 xã Tân Xuân.

Thương binh Trần Văn Lãm (bìa trái) bên đàn bò của gia đình-ảnh Minh Đức

Được sinh ra trong gia đình thuần nông giàu truyền thống yêu nước, tháng 2 năm 1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Trần Văn Lãm  lên đường nhập ngũ và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Đơn vị lúc bấy giờ của ông là Trung đoàn 9 mặt trận 979. Trong quá trình tại ngũ, ông luôn được đồng đội, đồng chí tin yêu và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Với tất cả nhiệm vụ được giao, ông luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc và được lãnh đạo đơn vị cũng như Đảng, nhà nước tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Tuy nhiên, trong một trận đánh vào giữa năm 1988, ông bị địch bắn trúng với nhiều vết thương trên người và phải điều trị gần 1 năm. Năm 1989, sau khi các vết thương dần bình phục, ông được giải quyết chế độ phục viên.

Trở về đời sống thường nhật, thương binh Trần Văn Lãm rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cơ cực. Không nghề nghiệp, không kinh nghiệm, không tiền vốn lại thường xuyên đau ốm; Cha, mẹ đều đã mất, ông phải nương tựa vào người anh của mình. Bằng một nghị lực phi thường, ông đã vượt qua bệnh tật và quyết tâm phát triển kinh tế gia đình.

Từ buổi ban đầu tay trắng, ông đã làm thuê công nhật cho những người xung quanh và tích góp vốn. Năm 1991, ông lập gia đình và với đồng vốn ít ỏi, vợ chồng ông đã học kinh nghiệm, kỹ thuật nấu rượu của một số bà con ở gần đó. Được bà con tận tình hướng dẫn, vợ chồng ông đã phát triển nghề nấu rượu, nuôi heo. Khi đã có được nguồn vốn tương đối khá, ông tiếp tục mở rộng thêm việc nuôi bò và kinh doanh hàng tạp hóa. Hiện tại, mỗi tháng gia đình ông có thu nhập hàng chục triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, thương binh Trần Văn Lãm luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và giúp đỡ những người xung quanh. Với ông, đó là trách nhiệm và cũng là niềm vui. Đặc biệt, ông rất nhiệt tình, tích cực và được tuyên dương là gương điển hình của xã trong việc thực hiện  chương trình “Năm cộng một” do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát đồng nhằm giúp hội viên cựu chiến binh xóa nghèo. Ông đã cho mượn vốn, con giống với trị giá trên 35 triệu đồng cùng nhiều ngày công lao động cũng như hướng dẫn kỹ thuật để giúp đỡ 2 trường hợp hội viên cựu chiến binh nghèo. Hiện nay, hai hộ hội viên cựu chiến binh do ông giúp đỡ đã thoát nghèo bền vững. Qua đó góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và giúp Hội Cựu chiến binh xã Tân Xuân thực hiện thắng lợi chương trình “Năm cộng một” của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Tại nhà mình, thương binh Trần Văn Lãm đã dành một khoảng không gian trang trọng để làm bàn thờ Tổ quốc. Ở đó, ông đặt ảnh Bác Hồ và ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người và cũng để khắc ghi lời thề yêu nước sắc son, lòng kiên trung của người lính cụ Hồ. Đó cũng là cách ông giáo dục truyền thống cách mạng cho con, cháu và thế hệ mai sau.

Minh Đức