Những con đường pê tông vào đến tận ngõ tận nhà, hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, cảnh quanh từ ngõ vào nhà các hộ dân đều thoáng mát, sạch đẹp đây là hình ảnh mà chúng ta dễ dàng bắt gặp khi đến với ấp Xương Thạnh A, xã Thới Thạnh. Nó còn tạo nên vẽ đẹp tự nhiên tô thắm cho những ngày xuân về.
Một gốc đường ở ấp Xương Thạnh A
Thời gian qua, Hội phụ nữ các cấp có nhiều mô hình hay, thiết thực đi vào đời sống người dân, đóng góp ngày càng nhiều hơn trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Điển hình có mô hình "5 không 3 sạch" của phụ nữ đang được triển khai trong hội viên ở các xã, thị trấn. Trong đó, mô hình "5 không 3 sạch" mang tên "Nhà sạch, ngõ đẹp" của phụ nữ xã Thới Thạnh ở ấp Xương Thạnh A là một trong những mô hình được Hội liên hiệp phụ nữ hyện đánh giá cao ở tính hiệu quả và mặt tích cực mà mô hình đem lại.
Năm 2012, Chi Hội phụ nữ ấp Xương Thạnh A đã triển khai xây dựng mô hình qua đó đã chọn Tổ phụ nữ số 4 làm điểm để nhân rộng ra các tổ khác trong ấp. Nội dung chính của mô hình là vận động các gia đình thực hiện tốt các tiêu chí "5 không" là không đói nghèo, không tệ nạn xã hội, không trẻ suy dinh dưỡng bỏ học, không sinh con thứ 3 trở lên, không bạo lực gia đình và 3 sạch là sạch ngõ, sạch nhà, sạch bếp.
Trong thực hiện mô hình, lấy công tác tuyên truyền vận động là chính để chị em nắm rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung các tiêu chí và hướng dẫn chị em thực hiện. Bên cạnh, còn tiến hành củng cố nâng cao chất lượng các hoạt động tổ phụ nữ, nhóm lồng ghép, câu lạc bộ và mô hình đang hoạt động. Gắn với các hoạt động Hội phụ nữ xã, chi hội ấp còn thường xuyên quét dọn các tuyến đường, thu gom rác thải, cắt tỉa hàng rào cây xanh cho các hộ đi làm ăn xa không có nhà.
Ngoài ra, Hội liên hiệp phụ nữ xã còn tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, cho mượn cây con giống để phát triển kinh tế. Nhờ thế mà đời sống kinh tế người dân ngày càng phát triển, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của ấp đạt hơn 18 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn hơn 10%, tệ nạn xã hội được kéo giảm.
Trước kia, khi chưa thực hiện mô hình vẫn còn nhiều chị em chưa có ý thức tốt trong dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, hàng rào cây xanh ít cắt tỉa. Nhiều chị cho rằng do bận phát triển kinh tế nên chưa chú trọng vào điều này. Nay thì đã khác, diện mạo có sự đổi mới trong mỗi gia đình cũng như ở tuyến đường giao thông của ấp.
Bà Nguyễn Thị Hằng, 63 tuổi là hội viên phụ nữ, nhận thức rõ về ý nghĩa cũng như những lợi ích mà mô hình đem lại nên khi phụ nữ ấp triển khai mô hình bà rất đồng tình và tích cực tham gia, thường xuyên quét dọn cảnh quan xung quanh nhà, sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng ngăn nắp, sạch sẽ. Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Không phải đợi tới có kiểm tra mình mới dọn dẹp trong ngoài, tôi luôn khuyên bảo con cái trong gia đình phải giữ gìn vệ sinh. Bên cạnh, không nên sa ngã vi phạm các tệ nạn xã hội mà cần chăm lo phát triển kinh tế".
Mô hình không chỉ dừng lại ở hội viên, phụ nữ mà còn được sự đón nhận của nam giới, ông Nguyễn Văn Hưởng 61 tuổi; dù vợ ông vắng nhà do phải đi làm ăn xa, nhưng ông cũng tham gia mô hình rất tốt, thường xuyên cắt tỉa hàng rào cây xanh, sắp xếp dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp không hề thua kém bàn tay của phụ nữ. Nói về việc làm của mình, ông Hưởng cho biết: "Tôi thấy mô hình này của phụ nữ rất hay, bản thân thường xuyên dọn dẹp trong ngoài nhà, cắt tỉa hàng rào cây xanh, làm gương cho con cháu không vi phạm các tệ nạn xã hội, đúng như chị em vận động".
Chị Lê Thị Kiều - Chi Hội trưởng phụ nữ ấp cho biết: "Đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện mô hình thời gian qua là do đa số hội viên phụ nữ nhận thức đầy đủ về mục đích ý nghĩa của việc xây dựng mô hình, qua đó có sự đồng tình nhất trí cao phong trào do phụ nữ ấp khởi xướng từ đó tích cực, tự giác tham gia nhiều hoạt động hơn. Bên cạnh đó, là sự quan tâm của Hội phụ nữ xã, Chi bộ ấp. Một thuận lợi của xã là các nhà các hộ dân dọc 2 bên tuyến lộ giao thông chính đều có hàng rào cây xanh và đường pê tông vào tận nhà".
Từ những kết quả của Tổ phụ nữ số 4, trong đó có hơn 20 hộ được công nhận đạt tất cả các tiêu chí, ấp đã nhân rộng ra toàn ấp thực hiện, riêng xã đã triển khai thực hiện ở các ấp khác. Năm 2014, Hội phụ nữ xã công nhận hơn 100 hộ thực hiện đạt các tiêu chí và đang đề nghị huyện công nhận.
Kinh tế người dân trong ấp Xương Thạnh A nói riêng và Thới Thạnh nói chung chủ yếu là trồng lúa, trồng dừa, đặc biệt chăn nuôi con bò, dê đang phát triển mạnh. Nên việc thực hiện mô hình đạt hiệu quả còn góp phần nâng cao nhận thức người dân dù chú trọng phát triển kinh tế nhưng vẫn cần có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.
Chị Trần Thị Mộng Thúy - PCT Hội phụ nữ xã cho biết: "Sau 1 năm thực hiện mô hình thì Hội phụ nữ huyện lên kiểm tra và công nhận đạt mô hình "Dân vận khéo" của phụ nữ cấp huyện. Khi được công nhận mô hình vẫn được duy trì và phát triển, Hội phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với các chi tổ, hội đi kiểm tra nhận thấy hiện nay mô hình có nhiều hội viên tham gia hơn, cảnh quang ngày càng sạch sẽ, hàng rào được trồng, cắt tỉa đẹp hơn trước rất nhiều".
Điểm hay trong thực hiện mô hình là không chỉ có sự tham gia của nữ giới mà còn lan rộng đến tất cả các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là nam giới. Nhờ thực hiện mô hình mà chị em phụ nữ còn thấy rõ được vai trò, trách nhiệm chính mình.
Kết quả bước đầu đạt được ghi nhận sự nỗ lực lớn của Chi hội phụ nữ ấp Xương Thạnh A, Hội phụ nữ xã, cùng sự quyết tâm, đồng lòng của chị em phụ nữ, người dân trong quá trình thực hiện. Đây còn là bước đệm để mô hình phát triển rộng mạnh hơn nữa đi sâu vào từng hộ gia đình, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở Thới Thạnh.
Văn Minh