Site banner

Mừng xuân Giáp Ngọ năm 2014:

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI  NĂM 2013 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂM 2014 CỦA TỈNH BẾN TRE

Võ Thành Hạo

Phó Bí Thư Tỉnh ủy

Chủ tịch  UBND tỉnh

Trong bối cảnh kinh tế cả nước rất khó khăn, Bến Tre vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tăng cao so với các khu vực khác; thương mại-dịch vụ mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ. Lĩnh vực xã hội ghi nhận sự nỗ lực rất lớn trong cải thiện chất lượng dạy và học; tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định.

Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh rất vui mừng trước những thành quả đạt được trên các lĩnh vực: kinh tế tiếp tục tăng trưởng; an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo; chất lượng cuộc sống người dân từng bước nâng lên; công tác quản lý, điều hành của các ngành, các cấp có tiến bộ; cải cách hành chính chuyển biến tích cực; quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững,... Tuy chưa đạt kết quả cao như mong đợi, nhưng giữ được tốc độ tăng trưởng liên tục trong thời kỳ kinh tế suy thoái là một thành tựu rất đáng trân trọng, nhất là trong điều kiện kinh tế của tỉnh chịu nhiều tác động từ nhiều yếu tố bất lợi như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp, giá bán các mặt hàng chủ lực tăng giảm bất thường,…

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế công trình cống đập Ba Lai. Ảnh: Quốc Hùng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2013 ước đạt 6,72% mặc dù không đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng cả ba khu vực của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng (Khu vực I tăng 0,93%; Khu vực II tăng 15,65%; Khu vực III tăng 7,97%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 28,4 triệu đồng, tăng 10% so với năm 2012, đã góp phần cải thiện đời sống người dân trong tỉnh.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giữ mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, với giá trị sản xuất ước tăng 20,1% so năm 2012, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất (58,7%). Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được ưu tiên thực hiện, đến nay đã cơ bản lắp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có và đang kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm đã được phê duyệt. Các làng nghề tiếp tục duy trì hoạt động, nhất là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động nông thôn. Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt khá, với 24 dự án được chấp thuận chủ trương, tổng vốn đăng ký khoảng 72,4 triệu USD và 1.917,54 tỷ đồng, trong đó có 01 dự án FDI có quy mô vốn lên đến 50 triệu USD.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Nhiều chương trình khuyến mãi được thực hiện rộng khắp, đã góp phần kích thích tiêu dùng trong nhân dân, nổi bật là tổ chức thành công 08 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Bến Tre lần thứ I, đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Qua đó, đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 13,8% so năm 2012. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng chợ theo hình thức xã hội hoá rất khả quan, đã xây dựng mới 12 chợ, nâng cấp 01 chợ với tổng vốn trên 37 tỷ đồng.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giữ mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, với giá trị sản xuất ước tăng 20,1% so năm 2012. Ảnh: Quốc Hùng

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục phát triển khá cao, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 500 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ đầu tư nâng cấp, mở rộng các địa điểm du lịch và trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá đã góp phần đưa doanh thu du lịch tăng 21,8% và số lượng khách tham quan tăng 10,39%. Đặc biệt, du lịch biển tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, vào đợt cao điểm mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến tham quan.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông chuyển biến khá rõ nét, đã đóng góp quan trọng vào thực hiện chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các ngành, các cấp, nhằm nâng cao năng suất, giảm thời gian và chi phí trong xử lý công vụ. Ngoài ra, đã góp phần định hướng và đảm bảo an toàn hệ thống thông tin quản lý trên địa bàn. Các loại hình dịch vụ khác tiếp tục phát triển, chất lượng được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu người dân.

Mặc dù kinh tế rất khó khăn, nhưng huy động vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng 11,2% so năm 2012. Nhờ phân bổ vốn tập trung và sự nỗ lực của chủ đầu tư, một số công trình trọng điểm, có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất và đời sống người dân đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả tích cực như cầu Bến Tre 1, 10 cầu trên ĐT 883, các cầu Hoà Khánh, Hoà Nghĩa, Kênh Ngang trên QL 57; tuyến tránh thị trấn Giồng Trôm, ĐT 887; đường K22 huyện Thạnh Phú; nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai; hệ thống thủy lợi nuôi thủy sản huyện Ba Tri và Bình Đại; trung tâm giống nông nghiệp của tỉnh;... Phong trào xây dựng giao thông nông thôn tiếp tục phát huy ở các địa phương, đã xây dựng mới 80 cầu và nhựa hoá, bê tông hoá 65 km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí 165 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20 tỷ.

Ảnh: Nguyễn Hải

Sản xuất nông nghiệp-thuỷ sản tuy vẫn duy trì và phát triển, nhưng mức tăng thấp so với cùng kỳdo gặp khó khăn về thời tiết, điều kiện sản xuất và ảnh hưởng của dịch bệnh. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, đặc biệt là các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 10 mô hình liên kết sản xuất trên lúa, mía, dừa, bưởi da xanh, với tổng diện tích trên 2.100ha. Một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như dừa, cây ăn trái đặc sản,... tăng lên về diện tích và sản lượng. Nuôi thủy sản phát triển mạnh, tổng sản lượng đạt 113,5% so kế hoạch và tăng 4,8% so với năm 2012. Nhờ giá dừa trái, tôm thẻ, tôm sú tăng cao trong những tháng cuối năm, đã giúp người dân cải thiện cuộc sống và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành. Khai thác thủy sản tiếp tục phát triển xu hướng đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ, đội tàu, với 24 tổ, đội hợp tác được hình thành mới trong năm 2013. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất của người dân.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng và có chuyển biến nhất định, đặc biệt là nhận thức đúng đắn của người dân và sự phân định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cơ quan, từng ngành và địa phương đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần đưa chương trình đi sâu vào cuộc sống. Tuy chưa đạt kế hoạch đề ra do khó khăn về vốn, nhưng tiến độ thực hiện đạt khá. Đến nay, có 01 xã đạt 16 tiêu chí; 21 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 96 xã đạt từ 05-09 tiêu chí; 06 xã đạt <5 tiêu chí.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục có nâng lên, tỷ lệ học sinh trung bình, yếu và bỏ học được kéo giảm; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 đạt 99,19%; thi tuyển vào đại học, cao đẳng có 3.683 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, tăng 693 thí sinh so với năm trước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ được cải thiện; mạng lưới y tế được đầu tư, nâng cấp với tổng kinh phí trên 88 tỷ đồng, đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu khám, điều trị của người dân.

Hoạt động văn hóa thông tin, thể thao - du lịch có chuyển biến tích cực. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện rộng khắp, đã công nhận thêm 10 xã văn hoá, nâng tổng số toàn tỉnh có 155/164 xã, phường, thị trấn và 01 huyện đạt chuẩn văn hóa. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện khá tốt, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,7%. Công tác giảm nghèo được chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực như: mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; hỗ trợ 70% mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện; xây dựng nhà ở,... với kinh phí trên 49 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9%.  

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa 03 lực lượng Công an-Quân đội-Biên phòng. Hoàn thành công tác tuyển quân 2013, với chất lượng bộ đội nhập ngũ khá so cùng kỳ và tổ chức thành công đợt Diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện. Công tác bảo vệ an ninh vùng biển được tăng cường, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, lễ hội tổ chức tại tỉnh và thực hiện khá tốt các đợt tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại các địa phương.

Công tác cải cách hành chính có tiến bộ, với trọng điểm là đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, nhằm giảm phiền hà cho cá nhân và tổ chức. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được củng cố, tiếp tục phát huy hiệu quả. Tỉnh đã tổ chức thi tuyển công chức theo nguyên tắc cạnh tranh; thí điểm Đề án vị trí việc làm, xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan nhà nước; tổ chức thanh tra công vụ thường xuyên, đột xuất;… đã thể hiện sự quyết liệt trong cải cách bộ máy hành chính các cấp, nhất là nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.

Trong năm 2013, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt thấp so với kỳ vọng; một số dịch bệnh chưa có giải pháp khắc phục triệt để; tiến độ xây dựng nông thôn mới chưa đạt kế hoạch. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, hàng hoá tiêu thụ chậm. Nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên kéo dài tiến độ thực hiện một số công trình; thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu và tình trạng thiếu quỹ đất sạch đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Những hạn chế, bất cập trên các lĩnh vực xã hội chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra; kinh phí hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao; tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tăng; khiếu nại của công dân chưa giảm, một số vụ phức tạp, kéo dài,...

Dự báo năm 2014, tình hình kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đề ra mục tiêu khá cao như tăng trưởng GDP khoảng 7,5%; thu ngân sách nhà nước đạt 1.400 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương 4.410 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 13.100 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%; kéo giảm tai nạn giao thông cả 03 mặt; đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội,...

Vì vậy, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, với trọng tâm là cải cách chế độ công vụ-công chức; tiếp tục rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; chấn chỉnh hành vi, văn hóa giao tiếp nơi công sở; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; sơ kết việc thực hiện thí điểm Đề án vị trí việc làm để triển khai nhân rộng; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thực hiện thi tuyển công chức trên máy tính và thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Hai là, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp; tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nhằm ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu; hỗ trợ kỹ thuật cải tạo vườn dừa kém hiệu quả; khuyến khích đánh bắt thuỷ sản theo mô hình tổ hợp tác; mở rộng khai thác xa bờ và khuyến cáo ngư dân không vi phạm chủ quyền khai thác trên biển; ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

Ba là, tập trung huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhằm triển khai nhanh dự án; rà soát, cập nhật các chính sách ưu đãi và tạo môi trường đầu tư thông thoáng; tăng cường gặp mặt, đối thoại nhằm tháo gở khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cho phù hợp để làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh.

Bốn là, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh hoạt động quản lý thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường  hoạt động xúc tiến, quảng bá và kêu gọi đầu tư với nhiều hình thức phù hợp. Phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu được giao, chống thất thu, gian lận thuế; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Quản lý tốt hoạt động tài chính, tín dụng, nhất là tín dụng thiếu tính pháp lý như hụi, cho vay trong nhân dân,...

Năm là, tăng cường huy động nguồn lực phục vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tập trung thực hiện tái cơ cấu đầu tư công và quản lý tốt lĩnh vực đầu tư xây dựng thông qua thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu, thi công nhằm đảm bảo chất lượng công trình và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ, thực hiện các công trình trọng điểm, cấp bách và các công trình sử dụng vốn ODA để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Sáu là, tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là trong chăn nuôi và xả thải trong sản suất công nghiệp. Tập trung đổi mới toàn diện công tác giáo dục theo tinh thần Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục nâng cao chất lượng Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; thực hiện tốt công tác giảm nghèo và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội.

Bảy là, tập trung kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, lễ, hội tổ chức tại tỉnh  và giữ gìn an ninh nông thôn. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thanh tra, kiểm tra về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản của nhà nước; thực hiện tốt các quy định về công tác tiếp dân; tập trung giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đón mừng năm mới, thay mặt UBND tỉnh, tôi chân thành cảm ơn bà con nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã giúp cho tỉnh nhà đạt được những kết quả đáng trân trọng nêu trên. Tôi tin rằng: Với truyền thống của quê hương Đồng khởi anh hùng, cùng sự nỗ lực, phấn đấu cao nhất của cả hệ thống chính trị, kết hợp với sự năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành kế hoạch công tác năm 2014, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, cũng như thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Mừng xuân mới Giáp Ngọ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin thân ái gửi đến các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân tỉnh nhà lời thăm hỏi ân cần và chúc một mùa xuân an khang thịnh vượng./.

                    V.T.H