Để góp phần đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển cũng như thực hiện thắng lợi chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), ngày 9-4-2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 – 2020".
Năm năm qua, tại Bến Tre, Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển (gọi tắt là Đề án 52) được triển khai tại 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú với tổng số dân là 496.761 người, trong đó phụ nữ tuổi từ 15-49 có chồng là 88.728 chị. Đến nay đã có 67.764 cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đạt tỷ lệ 76,64% (Bình Đại: 77,34%; Ba Tri: 74,84%; Thạnh Phú: 77,74%). Nếu so với mục tiêu cụ thể của Đề án là tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo, ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại phải đạt 72% vào năm 2015, thì Bến Tre đã vượt xa. Để thực hiện các mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng; nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKBMTE/SKSS/KHHGĐ); thí điểm và nhân rộng một số loại hình, mô hình…
Tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình cho người dân vùng biển. Ảnh: C.Tạo
Về kết quả thực hiện, đội lưu động của các huyện tiếp tục duy trì và phát huy trách nhiệm trong việc thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ CSSKBMTE/SKSS/KHHGĐ cho đối tượng tại 62 xã, thị trấn. Tổng số lượt người được truyền thông tư vấn, cung cấp dịch vụ là 106.230. Trong đó có 8.470 bà mẹ mang thai được khám thai; 79.114 lượt người được khám phụ khoa, phát hiện và cấp thuốc điều trị cho 40.793 lượt người mắc bệnh. Sử dụng hiệu quả 3 bộ máy siêu âm đầu dò âm đạo khi thực hiện chuyên môn kỹ thuật tại các xã. Trong thực hiện "Phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn" 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đã có 3.353 cuộc truyền thông; xét nghiệm soi tươi cho 22.119 trường hợp; làm phiến đồ âm đạo cho 3.364 chị em; siêu âm 12.464 cas. Tổng số có 34.381 người mắc bệnh được cấp thuốc điều trị.
Hệ thống thông tin, quản lý ngày càng hoàn thiện. Các trang thiết bị phục vụ cho cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành được vận hành thuận lợi tại huyện và xã. Cộng tác viên thu thập, cập nhật thông tin số liệu thường xuyên, đầy đủ, kịp thời và chính xác. Trong việc tăng cường hiệu quả công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi các huyện đã có 1.541 tin, bài viết đăng tải trên các báo, bản tin, tạp chí… 627 lần phát thanh trên các đài huyện. Thực hiện 3.332 cuộc truyền thông nhóm (mỗi cuộc có từ 5 – 7 người dự); 8.736 cuộc truyền thông lồng ghép tổ NDTQ, câu lạc bộ (mỗi cuộc có từ 15 – 25 người dự); thăm và tư vấn 19.367 hộ…
Các huyện thực hiện tốt việc giám sát, hỗ trợ các hoạt động, 50% số xã được giám sát 01 lần/năm; 25% được giám sát 2 lần/năm. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá tình hình thực hiện của các cấp, trong các đợt tổ chức triển khai, thực hiện khám phụ khoa định kỳ, đột xuất và giám sát lồng ghép công tác DS-KHHGĐ vào các chương trình mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phân công cán bộ phụ trách xã thường xuyên kiểm tra, giám sát hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá tình hình thực hiện Đề án ở xã theo kế hoạch quí đề ra. Trạm Y tế, cán bộ chuyên trách dân số tham mưu cho Ban Dân số và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động của Đề án 52, các hình thức truyền thông trong phối hợp, lồng ghép với các ban ngành đoàn thể địa phương; cộng tác viên và tuyên truyền viên nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả đề án.
Sau năm năm, Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo, ven biển đã thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ CSSKBMTE/SKSS/KHHGĐ cho cư dân các huyện biển. Tăng cơ hội tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho các nhóm đối tượng. góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ và CSSKSS vùng biển, tạo chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả bền vững cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng, miền biển. Kỹ năng truyền thông của đội ngũ cộng tác viên dân số được nâng lên. Năng lực, ứng dụng, thực hành kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ CSSKBMTE/SKSS/KHHGĐ của đội ngũ y tế đã phần nào đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân vùng biển. Công tác quản lý dân số và cập nhật các biến động được hiện đại hóa và chặt chẽ.
Công Tạo