Site banner

Bình Đại: Một cô giáo vùng biển tận tình dạy dỗ, rèn chữ cho học sinh

Đến với nghề nhà giáo là niềm mơ ước của cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo, giáo viên trường Tiểu học Trần Hoàn Vũ, thị trấn Bình Đại và sau bao năm vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề, cô giáo Thu Thảo đã một lòng tận tụy với học sinh, cống hiến tri thức và sự nỗ lực của mình trong sự nghiệp giáo dục, góp phần bồi dưỡng, rèn luyện nhân tài mai sau.

Cô giáo Thu Thảo giảng dạy các em học sinh trên lớp

Sinh ra trong gia đình đông anh em, lại nghèo khó nhưng với truyền thống hiếu học của gia đình và sự nỗ lực của bản thân, cô quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo của mình. Sau tốt nghiệp THPT, cô đỗ vào trường Trung học Sư phạm Bến Tre và ra trường trở thành cô giáo dạy tiểu học. Cô chia sẽ, gần hơn 10 năm đầu bước vào nghề nhà giáo, cô cũng gặp không ít khó khăn như: hàng ngày phải đạp xe đạp từ nhà đến trường dạy học hơn 10km và tiền lương lúc ấy cũng rất ít ỏi, nhưng với niềm yêu nghề, cô tiếp tục gắn bó đời mình với sự nghiệp giáo dục cho đến bây giờ đã ngót hơn 24 năm. Theo sự chia sẽ của cô Thu Thảo: "Nghề dạy học là ước mơ từ nhỏ và để theo đuổi được nghề cô đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tưởng chừng có lúc phải buông tay với nghề nhưng với hình ảnh, dáng dấp của người thầy, người cô đi trước luôn thôi thúc cô càng phải gắn bó với nghề".

Trong suốt quá trình dạy học, cô luôn lấy học sinh làm trọng tâm. Trong đó, cô luôn tìm tòi phương pháp rèn luyện học sinh không những trở thành con ngoan mà còn trở thành trò giỏi. Từ đó, cô tập trung, quan tâm đến chất lượng giáo dục trên lớp, cô chọn phương pháp dạy học dễ hiểu và giúp các em hiểu bài, học thuộc bài ngay trên lớp học. Đối với giáo dục đạo đức, cô chú tâm đến tâm lý phát triển của các em và từ đó, uốn nắn, rèn luyện các em theo cách tự nhiên, hiệu quả. Tích cực định hướng các em thực hiện các điều Bác hồ dạy và kỹ năng sống xung quanh cộng đồng. Đồng thời, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh nhằm kịp thời thông báo tình hình học tập cũng như tác phong của học sinh đến với gia đình, cùng nhà trường giáo dục tốt nhất cho các em. Đặc biệt là đối với các em học sinh yếu, kém, cô tận tâm phụ đạo thêm cho các em, quan tâm các em nhiều hơn để giúp cho các em theo kịp bạn bè trên lớp.

Không ngừng lại ở đó, cô còn sáng kiến nhiều mô hình học tập hiệu quả để nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Riêng trong năm 2013, cô thực hiện mô hình sáng kiến với đề tài "Kinh nghiệm rèn chữ viết cho học sinh lớp 2" và được Hội đồng khoa học cấp tỉnh công nhận. Nói về mô hình này, cô cho biết trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay đã giúp ích nhiều trong cuộc sống con người nhưng nó cũng đã dần bào mòn nét chữ đẹp trong tiếng việt của các em học sinh, tình trạng học sinh viết chữ xấu, trình bày không sạch sẽ trở nên báo động và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học của các em. Vì thế, cô quyết tâm thực hiện mô hình này nhằm rèn luyện, gìn giữ nét chữ viết cho học sinh của mình. 

Trong thực hiện mô hình, có 3 phương pháp mới được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao đó là cần làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh để xây dựng phong trào "Giữ vở sạch – Viết chữ đẹp", thông báo đến phụ huynh về tình hình rèn luyện chữ viết của các em và xây dựng phong trào "Giữ vở sạch-Viết chữ đẹp" ngay từ đầu năm học. Qua thực hiện mô hình này tại lớp, tình trạng chữ viết, gìn giữ sạch đẹp sách vở của học sinh được cải thiện. Sau đó, mô hình được áp dụng tất cả các khối lớp trong trường, kết quả đạt được khá cao, số học sinh tham gia và đạt giải vở sạch, chữ đẹp cấp huyện, tỉnh tăng cao. Được biết, hiện nay mô hình này cũng được nhân rộng tại các điểm trường Tiểu học trong tỉnh.

Điều đáng quý ở cô giáo Thu Thảo đó là tấm lòng luôn hướng về học sinh của mình, đặc biệt là học sinh nghèo. Hàng năm, cô vận động mạnh thường quân, người thân trong gia đình tặng nhiều phần học phẩm như quần áo, sách vỡ, bút mực cho các em, thường xuyên động viên, an ủi tinh thần, góp phần công sức giúp các em vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường.

Từ những nỗ lực, phấn đấu cũng như cống hiến của cô trong ngành giáo dục, cô được UBND tỉnh tặng bằng khen với thành tích nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở. Thành tích lớp của cô nhiều năm liền không có học sinh yếu, kém. Bản thân cô giữ vững danh hiệu nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Nghề nhà giáo là một nghề cao quý của xã hội, nhưng cũng là nghề gian nan, khó nhọc, Cô Thu Thảo đã vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ nhà giáo của chính bản thân cô và cũng là người bồi dưỡng ước mơ đèn sách cho nhiều em học sinh, góp phần công sức và trí tuệ đóng góp trong sự nghiệp Nhà giáo Việt Nam.

                                                              Tuyết Mai