Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Đại còn đối mặt với nhiều rủi ro, bất lợi như: thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, ảnh hưởng xâm nhập mặn…trước tình hình trên, huyện không ngừng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giảm dần diện tích đất trồng trọt kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả hơn và nuôi trồng thủy sản, góp phần giữ vững sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước phát triển, đời sống người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới.
Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện xây dựng nhiều mô hình hiệu quả trên cây lúa, cây màu và cây ăn trái. Riêng cây lúa, nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh, chọn giống, gieo sạ né rầy, kéo giảm tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh và đạt năng suất cao. Qua kết quả khảo sát vụ lúa đông xuân 2013-2014, nhiều hộ nông dân đạt năng suất cao từ 6-9 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, nông dân ứng dụng phế phẩm rơm để trồng nấm, nuôi bò đạt hiệu quả cao. Điển hình như hộ ông Lư Hồng Phương, xã Châu Hưng, hộ ông Trần Văn Hiếu, xã Phú Thuận.
Mô hình đưa màu xuống ruộng giúp nông dân tăng lợi nhuận
Trên cây màu, nhiều hộ nông dân các xã tiểu vùng I, II và các xã ven biển ứng dụng đưa cây màu xuống ruộng, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất màu tập trung có sản lượng khá lớn cung ứng ra thị trường tiêu dùng và chế biến trong nước. Giá cây màu giữ mức khà cao, phần lớn hộ nông dân đều tăng lợi nhuận hơn trồng lúa. Qua thực tế, có nhiều hộ dân thoát nghèo và làm giàu từ mô hình trồng màu như ông Nguyễn Trong Nghĩa, xã Châu Hưng, ông Lê Văn Thì, Phan Văn Rạ, xã Thới Lai, ông Dương Văn Sang, xã Long Hòa…với 1000m2 trồng màu, hộ trồng màu trung bình thu lãi từ 15-20 triệu đồng.
Mô hình chuyên canh và xen canh tổng hợp được áp dụng rộng rãi tại các vườn cây ăn trái như: bưởi da xanh, nhãn, mít, xoài cát Hòa Lộc… Nhiều hộ nông dân thực hiện mô hình trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao, có mức thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm đã vươn lên khá giàu như hộ bà Nguyễn Thị Hồng, xã Phú Thuận với diện tích 39.000 m2 trồng xen các loại như cam, dừa xiêm xanh, nhãn. Bình quân, mỗi năm, bà thu hoạch hơn 8000 trái dừa, 12 tấn nhãn, 5 tấn cam mang lại lợi nhuận hơn 150 triệu đồng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi sau tham gia vào các lớp tập huấn kết hợp với sự cần cù, chịu khó nên có nhiều hộ dân chăn nuôi đạt hiệu quả. Trong đó, tại hộ ông Lê Thành Đôn, xã Châu Hưng, lúc đầu gia đình khó khăn, nuôi 2 con bò cái sinh sản, đến nay, tổng số đàn bò của ông với tổng đàn 18 con, trung bình, mỗi năm xuất bán từ 7 đến 9 con, lợi nhuận thu về trên 90 triệu đồng/ năm. Hộ ông Võ Anh Bằng, xã Phú Vang, lúc mới bắt đầu nuôi 4 con dê cái, đã nay đã thành trang trại nuôi dê với 15 con dê cái, 2 con dê đực, hơn 20 con dê thịt, bình quân, mỗi năm xuất bán 20 con dê thịt, thu lợi nhuận mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi dê giúp nhiều hộ nghèo cải thiện cuộc sống gia đình
Bên cạnh đó, đối với nuôi trồng thủy sản, trước ảnh hưởng của môi trường, bà con áp dụng nhiều mô hình bền vững như mô hình nuôi sò huyết, hoặc nuôi tôm chân trắng kết hợp với trồng rừng, nuôi hàu thương phẩm như hộ ông Nguyễn Văn Rừng, Nguyễn Văn Hòa Anh, Bùi Văn Sị, ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức, áp dụng thành công mô hình nuôi hàu thương phẩm, với chi phí đầu tư trên 50 triệu đồng mua tol, làm giàn treo để lấy giống hàu, sau 12 tháng nuôi, hàu đạt cỡ từ 3-5 con/kg, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận từ 150 triệu đồng-250 triệu đồng. Ở khu vực nước ngọt, nông dân đầu tư xây dựng bể bạt để nuôi ếch và đam lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Nguyễn Việt Hùng, xã Thới Lai, hộ bà Nguyễn Thị Kiều xã phú Long, với diện tích 40m2 thả khoảng 4000 con ếch giống, sau 3 tháng nuôi, trọng lượng ếch đạt 200g/con tương đương từ 4-5 con/kg. Giá ếch tương đối ổn định từ 35 - 40.000 đồng/kg. Tỷ lệ sống đạt 84%. Sau khi trừ chi phí anh thu lãi trên 4 triệu đồng. Mỗi năm, thả nuôi 3 vụ ếch thương phẩm theo mô hình này và thu lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.
Theo ông Trần Tấn Công – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: " nhìn chung, các loại mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều được triển khai theo từng vùng, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương. Các mô hình tuy đều đem lại hiệu quả nhưng còn khó khăn trong khâu triển khai nhân rộng. Một trong nhiều nguyên nhân đó là đa số nông dân còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sản xuất không theo quy hoạch, hàng hóa đôi lúc bị dư thừa, nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vào mô hình mới. Nông dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ nhà nước. Các mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ, GAP đầu tư nhiều nhưng giá thị trường không cao hơn loại sản xuất bình thường. Vấn đề tổ chức sản xuất, quản lý chưa gắn chặt liên kết "bốn nhà".
Trong thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khắc phục việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, có giải pháp xây dựng tổ hợp tác tiến dần việc hình thành hợp tác xã, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Quy mô đầu tư cho mô hình cần được nâng lên để sản phẩm thành hàng hóa, đặc biệt là có sự liên kết "bốn nhà" để đầu ra sản phẩm ổn định.
Bài, ảnh: Tuyết Mai